Hòa Bình: Lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Trải qua hơn nửa chặng đường triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời kết hợp với nhiều chương trình, chính sách khác về giảm nghèo bền vững, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả rõ rệt trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những kết quả đáng khích lệ
Trong suốt những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hòa Bình đã được triển khai, thực hiện quyết liệt. Nhờ đó, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2022 của tỉnh Hòa Bình đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Có được kết quả này là do tỉnh Hòa Bình đã tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành văn bản quản lý điều hành làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện chương trình đảm bảo quy định.
Đối với nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, ngân sách trung ương bố trí hơn 442,6 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 229,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 213 tỷ đồng. Ngân sách địa phương (cấp tỉnh) đã bố trí là hơn 4,6 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 4,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp chưa bố trí. Huy động khác là hơn 1,264 tỷ đồng (vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội).
Các địa phương đã thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ và sự tham gia giám sát của cộng đồng, giám sát của người dân trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững. Vai trò của Ban Giám sát xã đã được phát huy, thông qua việc giám sát thực hiện từng công trình, dự án cụ thể được thực hiện tại địa phương. Các nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình được ưu tiên và cấp phát đầy đủ, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch được giao và phát huy được hiệu quả nguồn vốn.
Đồng thời, các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh huy động từ các nguồn khác cho công tác giảm nghèo. Tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt việc huy động xã hội hóa nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thường xuyên quan tâm vận động từ các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp.
Từ sự ủng hộ trên, tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép với nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án khác (Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn trợ giúp ngoài tỉnh...) góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Theo đó, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện các cuộc vận động, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, Chương trình “Tết vì người nghèo”.
Giai đoạn từ năm 2021-2023, nhân dịp Tết nguyên đán, UBND tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ cho các hộ nghèo ăn Tết với tổng kinh phí lên đến hơn 35,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội khác, tỉnh cũng kêu gọi được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm cho các hộ nghèo ăn Tết.
Thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, trong những năm từ 2021-2023, tỉnh Hòa Bình đã vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số lượng là 875 căn nhà, tương đương 32.400 triệu đồng.
Ưu tiên đầu tư thực hiện các chính sách dân tộc
Là 1 trong 10 tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao (74,43%), tỉnh Hòa Bình luôn xác định việc ưu tiên đầu tư, nỗ lực thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn nhằm ổn định dân cư, giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh tập trung triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 171)… Trong đó, Chương trình MTQG 1719 đang được các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình nỗ lực triển khai thực hiện.
Trong hơn 2 năm qua, huyện Mai Châu đã giải ngân kịp thời nhiều nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 và phát huy hiệu quả. Cụ thể, năm 2023, địa phương hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 50 hộ với tổng số tiền 500 triệu đồng tại các xã Cun Pheo, Nà Phòn, Pà Cò, Hang Kia, Thành Sơn…
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn đang được huyện triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2022, Mai Châu đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại các xã Sơn Thủy (được phân bổ 168 triệu đồng), xã Nà Phòn (được phân bổ 120 triệu đồng) và xã Thành Sơn (336 triệu đồng); các xã đã bàn giao téc nước cho các hộ gia theo quy định, với tổng giá trị giải ngân 581 triệu đồng.
Phòng Dân tộc huyện Mai Châu đánh giá, nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, hệ thống cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên.
Theo Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Hòa Bình, nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp. Trọng tâm là làm tốt tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động, đặc biệt là để các hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, từ chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu. Trong 8 tháng năm nay có gần 19.200 lượt khách hàng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm với doanh số cho vay gần 745 tỷ đồng, trong đó có 3.296 lượt hộ nghèo, 2.515 lượt hộ cận nghèo, 1.366 lượt hộ mới thoát nghèo.