Xã hội

Văn Lãng (Lạng Sơn): Đa dạng các mô hình hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Hoàng Nghĩa 29/03/2024 - 17:09

(TN&MT) - Thời gian qua, huyện Văn Lãng luôn quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Theo số liệu thống kê, năm 2011 toàn huyện có hơn 4.000 hộ nghèo, trên 17.500 nhân khẩu. Đến hết năm 2023, Văn Lãng còn 1.025 hộ nghèo, tỷ lệ 7,53%; 1.277 hộ cận nghèo, tỷ lệ 9,39%. Đây là một kết quả đáng ghi nhận, cho thấy các chính sách hỗ trợ người nghèo đã phát huy hiệu quả, giúp đời sống người nghèo, hộ nghèo từng bước được nâng lên.

Để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã quán triệt, chỉ đạo các ngành chức năng tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành đoàn thể, UBND các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền, phổ biến các văn bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

screenshot_20240329_082935_gallery.jpg
Một góc thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng

Trong năm 2023 đã tổ chức 11 Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, tập trung tuyên truyền hướng dẫn triển khai thực hiện các chế độ chính sách với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tại cấp xã, tổ chức tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác điều tra rà soát hộ nghèo; trách nhiệm tham gia của các hộ gia đình khi triển khai thực hiện và các chế độ chính sách đang triển khai, các chính sách được thụ hưởng thông qua các hội nghị tại xã, cuộc họp tại thôn…

Lắp đặt 8 pano cỡ lớn truyền thông về giảm nghèo với nội dung “Giảm nghèo là bổn phận trách nhiệm của người dân, ý chí tự vươn lên của người nghèo là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững” cấp cho 8 xã vùng III và tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các cụm xã, cụm thôn trên toàn huyện.

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 từ huyện đến cơ sở được thành lập, tập trung chỉ đạo, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện. Nhờ đó, các chương trình, dự án thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được triển khai rộng khắp đến các địa phương.

Theo UBND huyện, từ năm 2023 đến nay, Văn Lãng đã hỗ trợ triển khai 10 mô hình đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo. Gồm: Dự án Trồng cây dược liệu thổ phục linh cho 18 hộ dân xã Tân Tác; Dự án chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả cho 55 hộ dân thuộc 6 xã; Dự án Chăn nuôi nái móng cái sinh sản trên địa bàn 2 xã, có 71 hộ tham gia; Dự án Trồng cây hồng vành khuyên trên địa bàn xã Hội Hoan cho 26 hộ dân…

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, đảm bảo đầy đủ việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Gia hạn, cấp và quản lý 16.001 thẻ bảo hiểm y tế, trong đó, gần 14.000 thẻ của đồng bào dân tộc thiểu số; hơn 2.000 thẻ của người nghèo, cận nghèo. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi ốm, đau, bệnh tật được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

screenshot_20240329_053219_facebook.jpg
Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập (Ảnh: TTVL)

Rà soát, xét duyệt học sinh trong các diện được hỗ trợ để thực hiện ngay từ đầu năm, đảm bảo đúng tiến độ, đúng đối tượng, đúng quy định. Xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ mua sắm téc trữ nước, vòi dẫn nước cho 422 hộ dân; hỗ trợ 209 hộ dân thiếu đất sản xuất có nhu cầu mua sắm máy móc, nông cụ để chuyển đổi nghề; hỗ trợ 77 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở…

Mở 15 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại 7 xã về kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật chăn nuôi lợn, kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gà với trên 500 học viên. Tạo điều kiện cho hơn 800 lao động địa phương đi làm tại các khu công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Thực hiện tín dụng chính sách xã hội cho giảm nghèo, đã có 152 hộ nghèo, 139 hộ cận nghèo, 35 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay để sử dụng vào các mục đích chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… hướng tới thoát nghèo hiệu quả.

Theo UBND huyện Văn Lãng, công tác giảm nghèo bền vững luôn được chính quyền địa phương quan tâm triển khai, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Các cơ quan, đơn vị, các ngành trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình giảm nghèo luôn có sự trao đổi phối hợp chặt chẽ, luôn hướng về cơ sở và người dân, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng quy định.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến được chú trọng, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, nâng cao nhận thức, quyết tâm và trách nhiệm thoát khỏi đói nghèo cho mỗi người dân và cả cộng đồng. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ cấp huyện, xã được đào tạo, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm 2024, huyện Văn Lãng sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa nội dung, hình thức công tác tuyên truyền các dự án, tiểu dự án của Chương trình giảm nghèo bền vững để người dân nắm được và tham gia thực hiện. Lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo với các chương trình dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nông - lâm nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi và các chương trình về y tế, chăm sóc trẻ em, giáo dục đào tạo....

screenshot_20240329_054356_facebook.jpg
Huyện Văn Lãng đã quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở để ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. (Ảnh: TTVL).

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện; giao trách nhiệm chủ đầu tư cho cấp xã, đồng thời phân công cán bộ huyện phụ trách thường xuyên bám sát hỗ trợ cấp cơ sở xã, thôn về kỹ năng điều hành, trình tự thủ tục và kỹ thuật tác nghiệp chuyên môn.

Phấn đấu năm 2024, tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 3%/năm; tạo việc làm mới 800 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,5 triệu đồng….

Hoàng Nghĩa