Quý I/2024, ngành Công Thương tiếp đà phục hồi tăng trưởng
Chiều 29/3/2024, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2024. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - Người phát ngôn Bộ Công Thương chủ trì Cuộc họp báo.
Sản xuất công nghiệp tăng hơn 6%
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2024, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công thương) cho biết, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này đã đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023).
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, điểm đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%; Chỉ số sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 28,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,1%; sản xuất kim loại tăng 16,6%; dệt tăng 14,6%...
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2024, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 26,2%, tăng gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô (tăng 13,9%), cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan trong quý I/2024, tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trong quý đầu năm 2024.
Đẩy mạnh đầu tư công, rà soát gỡ vướng các dự án trọng điểm
Thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... Tập trung cao độ cùng Ủy ban Quản lý vốn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương triển khai dự án đường dây 500KV mạch 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng quý, từng tháng 2024; đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước; Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường…
Tại cuộc họp báo, ngoài các vấn đề liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, hoạt động thương mại, các vấn đề liên quan đến kinh doanh xăng dầu, chi Quỹ bình ổn xăng dầu, triển khai Quy hoạch Điện VIII, tình hình cung ứng điện mùa khô, các thắc mắc về điều hành giá điện theo quy định và cơ chế mới năm 2024, công tác phòng vệ thương mại, chống bán phá giá... là chủ để nóng được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm đặt câu hỏi cho ngành Công Thương.