Doanh nghiệp - doanh nhân

CIP tổ chức hội thảo "Cơ hội nghề nghiệp trong ngành điện gió ngoài khơi"

Quyết Thắng 28/03/2024 - 17:33

Ngày 28/3 tại Hà Nội, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) phối hợp với Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức hội thảo “Cơ hội nghề nghiệp ngành điện gió ngoài khơi”.

Lần đầu tiên, tại Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế có cơ hội chia sẻ toàn diện về tiềm năng phát triển nghề nghiệp của nhân sự Việt trong ngành điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực khá mới mẻ và hiện đang trong giai đoạn tương đối sơ khai của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Stuart Livesey - Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết: “Tập đoàn CIP sẽ cần một lực lượng lao động trình độ cao để phục vụ cho các dự án của Tập đoàn trong tương lai. Ví dụ, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khi được xây dựng hết công suất 3,5GW sẽ cần sự tham gia của 45.000 FTE, trong đó một FTE được tính là một nhân sự làm việc toàn thời gian trong vòng một năm.

ong-stuart-livesey-dai-dien-tap-doan-cip-tai-viet-nam-2.jpg
Ông Stuart Livesey - Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, chia sẻ tại hội thảo.

CIP mong muốn nhân sự Việt Nam có cơ hội tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp chất lượng, đa dạng trong ngành điện gió ngoài khơi, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu các hạng mục phục vụ dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tương lai”.

toan-canh-hoi-truong-1.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Trong suốt vòng đời của một trang trại điện gió ngoài khơi (khoảng 35 – 45 năm), một số vị trí công việc sẽ đồng hành cùng dự án trong cả 3 giai đoạn chính Phát triển, Thi công & Vận hành, một số vị trí khác sẽ chỉ cần tham gia trong một hoặc hai giai đoạn của dự án. Giai đoạn Thi công có nhu cầu sử dụng nhân sự cao nhất (chiếm 49% tổng số việc làm được tạo ra trong suốt vòng đời dự án), tiếp theo là giai đoạn Vận hành & Bảo trì (35%), cuối cùng là giai đoạn Phát triển (10%) và Tháo dỡ (6%).

Hiện tại ở Việt Nam, một số chuyên ngành đào tạo dài hạn có thể hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi như Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí Xây dựng Công trình biển, Dầu khí, Kỹ thuật xây dựng, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý Hàng hải, Quản lý năng lượng, Điều khiển tàu biển, Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật môi trường v.v. Những chuyên ngành này được đào tạo tại một số trường đại học như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng, ĐH Điện lực, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Hàng Hải, v.v.

Ngoài ra, một số chương trình đào tạo ngắn hạn bao gồm kỹ thuật cơ bản ngành điện gió ngoài khơi, kỹ thuật an toàn cơ bản, sơ cứu nâng cao, cứu hộ nâng cao cũng cung cấp những kỹ năng cần thiết cho một số công việc mang tính chất kỹ thuật tại các dự án điện gió ngoài khơi.

cac-dai-bieu-chup-anh-luu-niem.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

“Một dự án điện gió ngoài khơi từ giai đoạn cấp phép khảo sát đến giai đoạn vận hành thương mại thường kéo dài tối thiểu 6 năm. Do vậy, để đạt được mục tiêu 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam, cần sớm ban hành cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi trong năm 2024, song song với việc từng bước hoàn thiện các chính sách và quy định liên quan", ông Stuart Livesey cho hay.

Trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn CIP cũng chính thức công bố ấn phẩm “Nguồn nhân lực ngành điện gió ngoài khơi”.

Quyết Thắng