Để mùa lũ cũng trở thành mùa vàng
(TN&MT) - Với nguồn nước dồi dào và có mùa lũ lên cao, nông dân xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đang phục hồi vụ lúa mùa nước nổi và canh tác theo hướng “thuận thiên”, chỉ ra đồng làm đất, sạ lúa và chờ thu hoạch.
Nhàn như... làm lúa nổi
Nếu vùng duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long đặc trưng là những đầm nuôi tôm san sát, thì địa phương ở vùng thượng nguồn như Long An lại có những cánh đồng mẫu lớn thẳng cánh cò bay. Gần một nửa thời gian trong năm, những cánh đồng này ngập trắng từ khoảng tháng 5, tháng 6 Âm lịch trở đi. Bởi vậy, từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, lúa mùa nổi vốn cũng rất phổ biến tại khu vực này. Theo thời gian, nông dân chuyển sang các giống lúa ngắn ngày với sản lượng cao hơn và chỉ trồng 2 vụ, bỏ trống mùa lũ nước tràn đồng.
Tại ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, từ năm 2021, chính quyền địa phương và cán bộ dự án Giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng Bằng Sông Cửu Long đã thuyết phục người dân canh tác trở lại lúa mùa nổi. Hiệu quả khả quan từ vụ lúa đầu tiên đã thúc đẩy nông dân địa phương đăng ký tham gia. Từ năm 2022 đến nay, diện tích trồng lúa nổi ổn định với 100ha, chủ yếu là của các thành viên Hợp tác xã lúa mùa nổi của ấp.
Nông dân trồng lúa nổi kết hợp nuôi cá mùa lũ, nối tiếp 2 lúa vụ Đông-Xuân, Hè-Thu thường niên. Cây lúa nổi đã giúp giữ phù sa lại ruộng nhiều hơn. Vậy nên 2 vụ còn lại trong năm đều nhiều chất dinh dưỡng, dù giảm phân bón và thuốc mà năng suất lúa vẫn ổn định.
Qua lời kể của những nông dân trực tiếp canh tác, khác với các loại lúa cao sản hiện nay, lúa nổi lớn lên theo nước lũ. Khi lũ từ thượng nguồn đổ về, nước dâng đến đâu cây lúa vươn lóng đến đó, lấy chất dinh dưỡng từ phù sa và vượt lên mặt lũ, đơm bông kết hạt. Đặc biệt, ruộng lúa mùa nổi còn tạo môi trường sống cho các loài thủy sản. Cùng với trồng lúa, người dân thả cá giống nuôi trong đồng ruộng mà không phải cho ăn. Đến cuối mùa tát ruộng, mỗi nhà thêm vài trăm cân cá cũng thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống.
Chỉ tay về cánh đồng rộng ngút tầm mắt, ông Nguyễn Ngọc Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã lúa mùa nổi chia sẻ: Khi xuống giống chỉ cần làm đất, sạ lúa giống rồi để phát triển tự nhiên, canh nước xả vào ruộng cho hợp lý để lúa có thời gian lớn vươn lên khỏi mặt nước, không phải dùng phân thuốc. 6 tháng liền có khi chỉ ra ruộng vài lần canh nước ra vào cho hợp lý. “Nhìn chung làm vụ lúa nổi cũng... nhàn” – ông Điền cho biết. Năm đầu thả cá rô nhưng giá thấp nên vụ mùa năm 2023, ông chọn thả cá trê, cá lóc cho giá cao hơn. Thu hoạch khả quan nhờ cá nuôi tự nhiên ít bệnh.
Trước đây vùng này chỉ trồng 2 vụ lúa, mùa lũ là mùa thất thu vì không trồng cấy gì được, bà con chủ yếu đánh bắt thủy sản tự nhiên. Nay có thêm vụ lúa nổi, vừa trồng lúa vừa thả cá đã tăng thêm thu nhập cho nông dân. Năng suất bình quân lúa nổi đạt 1,2 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với lúa 2 vụ chính (khoảng 6 – 7 tấn/ha) nhưng giá bán cao hơn gấp đôi, khoảng 15.000 đồng/kg lúa. Ông Lê Thanh Tiện, Tổ viên Hợp tác xã lúa mùa nổi cho biết, thu nhập mùa lúa nổi không bằng vụ lúa cao sản nhưng chi phí sản xuất rất thấp, giá cũng tốt nên khi Nhà nước có hướng hỗ trợ, nhiều nông dân đã làm theo.
Theo đánh giá từ Đại học Cần Thơ năm 2023, tỷ suất lợi nhuận từ mô hình lúa nổi - cá mùa lũ cao hơn mô hình thâm canh lúa 3 vụ nhờ giảm công chăm sóc và vật tư đầu vào. Lợi nhuận lớn nhất có lẽ là góp phần phục hồi hệ sinh thái khu vực này. Lượng phù sa trong mô hình lúa nổi - cá cao hơn 2,5 lần so với trồng lúa 3 vụ, khả năng trữ nước cũng cao hơn gấp 19,5 lần. Nước lũ tràn vào ruộng giúp bổ sung nguồn cá tự nhiên và tăng bồi lắng phù sa. Nhiều loài thủy sinh phát triển giúp thu hút các loài chim trời về đây kiếm ăn, góp phần tăng đa dạng sinh học.
Trần Hoàng Kha, một cán bộ thuộc Khoa Môi trường, Đại học Cần Thơ cho biết đang tiến hành một nghiên cứu về khả năng giảm phát thải khí nhà kính từ mô hình. Kết quả sẽ góp phần chỉ ra hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp canh tác dựa vào tự nhiên tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Nỗi lo thiếu lũ
Lúa nổi có đặc trưng sản xuất “thuận thiên” nên quá trình canh tác phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào ông trời. Năm nào lũ về nhiều thì ruộng đủ phù sa, lúa lớn khỏe chắc hạt. Như năm 2023 lũ thấp, sản lượng lúa giảm hẳn so với năm 2022, từ 120 tấn/100ha giảm còn 77 tấn/100 ha.
Những nông dân như ông Điền, ông Tiện đều lo lắng cho mùa vụ sắp tới, bởi thông tin dự báo từ cơ quan chức năng đều nói nguồn lũ đầu nguồn sông Mê Công năm nay sẽ xuống thấp. Chỉ tay về phía con đường bao quanh ruộng, ông Điền nhớ lại: Hồi năm 2011, lũ còn cao mấp mé mặt đường, ấy thế mà từ đó tới nay không gặp lại con lũ lớn như vậy lần nào nữa. Mấy năm trước nữa còn đỡ, năm kia nước chỉ cao hơn mặt ruộng khoảng 1m5 – 1m7. Năm ngoái còn có 1m3. Lũ thấp thì thời gian ngập đồng ngắn, phù sa về ít nên lúa nổi cũng không lớn được, hạt lép nhiều nên sản lượng giảm hẳn. Trong khi đó, việc làm đất sau thu hoạch lúa nổi chuẩn bị cho mùa vụ Đông – Xuân cũng tốn nhiều công sức gấp đôi ba lần.
Mong muốn của những tổ viên hợp tác xã lúa nổi là muốn đổi loại giống lúa khác cho năng suất cao hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức cho đầu ra. Hiện có 2 công ty đang bao tiêu sản lượng lúa nối của ấp Láng Sen. Trong tương lai, nếu tăng diện tích và sản lượng thì địa phương cũng như các bên liên quan cần liên kết và tìm đầu ổn định đầu ra cho bà con. “Trồng lúa là nguồn sinh kế chính của nông dân vùng này. Nguồn thu từ lúa nổi bấp bênh thì rất khó để lựa chọn canh tác tiếp” – ông Điền bộc bạch.
Theo sát quá trình canh tác lúa nổi từ những ngày đầu, bà Mai Nguyễn Anh Thư, cán bộ tư vấn Dự án Giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (WWF) cho biết: Hiện nay, dự án đang phối hợp với Đại học Cần Thơ nghiên cứu sản phẩm sữa gạo lúa mùa nổi và tìm kiếm thêm các đối tác phát triển sản phẩm chế biến từ gạo lúa nổi, bên cạnh sản phẩm phở từ gạo lúa mùa nổi do công ty Khải Nam và Xshipper phát triển.
Loại gạo này khô, cứng nên khó đáp ứng thị hiếu tiêu dùng trong nước, nhưng để chế biến phở, bún, miến lại rất phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng do quá trình canh tác không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, giảm phát thải từ các thị trường có giá trị thương mại cao.
Thực tế, khôi phục trồng lúa nổi mới là bước đi đầu tiên. Trong 2 vụ lúa còn lại trong năm, nông dân được khuyến khích áp dụng quy trình “1 Phải, 6 Giảm” (bao gồm sử dụng lúa giống chất lượng tốt/được chứng nhận và giảm lượng giống, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, nước, phát thải khí nhà kính và thất thoát sau thu hoạch). Hỗ trợ của dự án bên cạnh nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật, bình đẳng giới, và bảo tồn đa dạng sinh học, còn có hỗ trợ nguồn cá giống và lúa giống cho mô hình sinh kế mùa lũ và các thiết bị kỹ thuật như máy bay không người lái, giúp nông dân giảm công lao động trong quá trình canh tác.
Riêng vụ Đông-Xuân 2023, hầu hết nông dân chia sẻ rằng họ tiết kiệm được 15% lượng lúa giống, 11% lượng phân bón, 21% lượng thuốc trừ sâu, 16% chi phí nhân công và 11% chi phí bơm nước so với cùng kỳ năm trước. Nông dân cũng quen tay hơn với với phương pháp sản xuất thuận thiên để tạo ra các sản phẩm lúa và cá sinh thái, không gây hại cho môi trường, an toàn cho sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Về lâu dài, WWF và nhà tài trợ là Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) mong muốn có thể thúc đẩy việc xây dựng quy hoạch khôi phục vùng ngập lũ quy mô lớn tại các xã vùng đệm quanh KBT Láng Sen nói riêng và các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL nói chung, trên cơ sở triển khai nhiều giải pháp sinh kế cho người dân dựa vào quy luật tự nhiên thay vì phát triển hệ thống đê bao làm lúa 3 vụ như hiện nay.
Chia sẻ về định hướng phát triển cây lúa của huyện Tân Hưng, ông Nguyễn Lê Thành, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, huyện đã quy hoạch khu vực xã Vĩnh Đại thuộc vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các vụ lúa ngắn ngày đều sẽ áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, xanh, bền vững môi trường với tầm nhìn dài hạn là nâng cao chất lượng lúa gạo của địa phương, góp phần hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn của tỉnh.
Trong thời gian tới, cây lúa Láng Sen cùng với nhiều địa phương khác sẽ đóng góp cho Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp. Bởi vậy, chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực từng ngày, đồng hành với nông dân chuyển đổi xanh, tăng giá trị cho hạt lúa, hạt gạo quê hương.