Đất đai

Đa dạng mô hình nông nghiệp bền vững ở Lâm Hà

Đình Du 28/03/2024 - 12:46

(TN&MT) – Huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là địa bàn thuần nông, đất canh tác gắn liền với người dân bao đời qua. Bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương, các mô hình sinh kế đã tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

anh-2(1).jpg
Mô hình trồng dâu nuôi tằm nhân rộng ở huyện Lâm Hà

Lợi thế nguồn lực đất đai

Năm 1987, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được thành lập với sự sáp nhập vùng kinh tế mới Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh với một số xã, thị trấn khác. Những năm ấy tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 50%. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm chỉ còn 2,28%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 5,85%. Ngày nay huyện Lâm Hà trở thành một vùng chuyên canh các loại cây trồng nổi tiếng vươn ra tầm thế giới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, những năm qua huyện Lâm Hà triển khai thực hiện công tác tổ chức đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu lao động như: Trồng dâu nuôi tằm, quy trình trồng cây cà phê, cây mác ca, bơ, sầu riêng…

Qua các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả nhờ nguồn lực đất đai trù phú đã giúp cho đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, hộ mới thoát nghèo ở Lâm Hà được nâng cao và thoát nghèo bền vững, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao.

Song song với phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2023, “Quỹ vì người nghèo” huyện Lâm Hà vận động hỗ trợ xây mới 23 căn nhà với kinh phí 845 triệu đồng, sửa chữa 7 căn với kinh phí 62 triệu đồng, hỗ trợ sản xuất 10 hộ với kinh phí 200 triệu đồng, hỗ trợ 151 học sinh với kinh phí 38,7 triệu đồng, hỗ trợ chữa bệnh hiểm nghèo 27 hộ 145 triệu đồng; hỗ trợ cứu đói đột xuất 7 hộ với kinh phí 10 triệu đồng, hỗ trợ tết 554 phần quà với kinh phí 258 triệu đồng…Những năm qua, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, mô hình sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã giúp đời sống người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao, cuộc sống dần ổn định.

Theo ông Mai Văn Dinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà, thời gian qua, xã đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, đối với người nghèo cần khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại, tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh công tác khuyến nông để phát triển kinh tế. Tận dụng lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, chính quyền đã tạo mọi điều kiện để người dân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, mang lại thu nhập ổn định.

anh-1(1).jpg
Tặng phân bón, thuốc trừ sâu cho những hộ nghèo

Huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo

Bên cạnh đó, huyện Lâm Hà đã huy động các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo vươn lên, đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất, sửa chữa nhà ở.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trinh - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà cho biết: “Là đơn vị tham mưu và chủ trì thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương, chúng tôi tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các thôn, tổ dân phố, các xã, thị trấn, tổ chức, lắp đặt các pa nô truyền thông giảm nghèo, cấp phát băng rôn tuyên truyền, tổ chức hàng loạt hội nghị, chuyên đề tuyên truyền chính sách giảm nghèo thu hút hơn 700 hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số tham gia.

Ngoài ra, tổ chức 4 hội thảo việc làm và 3 phiên giao dịch việc làm thuộc Tiểu dự án 3, dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững. Qua đó đã có 5 đơn vị, doanh nghiệp về tham gia tuyển dụng việc làm thu hút trên 1.000 người là đại diện Ban Nhân dân các thôn, tổ dân phố, hội viên Hội Phụ nữ, đoàn viên, thanh niên, người lao động”.

Năm 2023, tổng số nguồn vốn phân bổ cho 5 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là hơn 5,4 tỷ đồng. Đến nay, các dự án, tiểu dự án giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã thực hiện đạt 93,14%.

Bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ cho 2.346 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo vay vốn, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên, vay vốn để giải quyết chỉ số đo lường về nước sạch và vệ sinh với kinh phí 82.388 triệu đồng...

Với sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, theo kết quả thống kê cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo toàn huyện giảm 3,84%, hộ nghèo đa chiều giảm 1,41%, số hộ cận nghèo giảm 2,43%, hộ cận nghèo đa chiều dân tộc thiểu số giảm 3,40%. Hiện nay huyện Lâm Hà tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao năng lực giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, đẩy mạnh công tác tín dụng, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo, người cận nghèo làm ăn có hiệu quả.

Trong năm 2024, huyện Lâm Hà phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung giảm 1%, riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1-1,5%, mức giảm tỷ lệ hộ cận nghèo chung từ 1-1,5%, riêng hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%, duy trì và giải quyết việc làm cho 3.500 lao động.

Đình Du