Môi trường

Mường La (Sơn La): Phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ môi trường

Nguyễn Nga (thực hiện) 28/03/2024 - 11:18

(TN&MT) - Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Sơn La, Mường La là huyện còn nhiều khó khăn do địa hình chia cắt mạnh, nhiều khe sâu, núi cao, thiên tai diễn biến phức tạp… Thời gian qua, Mường La đã có nhiều giải pháp, cách làm hay để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển xanh, gắn với giảm nghèo bền vững.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La.

1(4).jpg
Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La.

PV: Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tâm:

Mường La được xác định là một cực của tam giác phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh (thành phố - Mai Sơn - Mường La). Huyện có trục đường QL.279D, là một trong những huyết mạch của tỉnh nối với thành phố Sơn La về phía Tây Nam, Lai Châu về phía Tây Bắc; có vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế, dịch vụ, thương mại và văn hoá với các vùng lân cận. Huyện có nhà máy thuỷ điện Sơn La và các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ khác, kèm theo nhiều cơ sở hạ tầng; thúc đẩy sự phát triển của huyện về nhiều mặt.

Theo quy hoạch tỉnh, Mường La là trung tâm thủy điện của tỉnh, cung cấp phần lớn điện năng hòa lưới điện quốc gia và phục vụ nhu cầu nội tỉnh; là khu vực bảo tồn đa dạng sinh học, đầu nguồn sông Đà; là vùng nông, lâm, ngư nghiệp công nghệ cao và du lịch tổng hợp của tỉnh cũng như khu vực dọc sông Đà. Đồng thời, Mường La cũng là khu bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế, ổn định đời sống cư dân vùng cao, vùng tái định cư thủy điện.

Hiện nay, huyện đang tập trung phát triển với 3 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp năng lượng; nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với chế biến và du lịch. Với phương trâm tranh thủ tối đa, hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước, phát huy, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện đã xây dựng và ban hành các đề án phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông – lâm nghiệp xanh, bền vững… để cơ cấu lại nguồn lao động, cơ cấu lại tỷ trọng các ngành, lĩnh vực; xác định rõ cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa… nhằm thức đẩy phát triển kinh tế của huyện.

a1.jpg
Công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mường La được quan tâm triển khai, đời sống bà con có nhiều khởi sắc.

Trong công tác giảm nghèo bền vững, Mường La đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm; đã thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “Cùng nhau thoát nghèo, phát triển bền vững”. Qua đó, giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

PV: Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường, xin ông thông tin những nhiệm vụ, giải pháp mà Mường La đã và đang triển khai thực hiện?

Ông Nguyễn Văn Tâm:

Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn hưởng ứng các ngày lễ về môi trường. Phát động các phong trào thi đua xây dựng một số mô hình ở một số bản, xã với hình thức xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại gia súc đúng quy định, xây dựng quy ước về công tác bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ra quân vệ sinh môi trường, treo pano, băng rôn tuyên truyền. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn được lồng ghép trong các cuộc họp của UBND huyện, các xã, thị trấn.

a3.jpeg
Mường La đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân khu vực nông thôn.

Năm 2023, đã thu hút 450 người tham gia và trên 11.000 học sinh tham gia các chương trình ngoại khóa về bảo vệ môi trường. Từ đó, nâng cao nhận thức của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Ban hành kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu về môi trường, tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường dự án Đầu tư xây dựng Chợ trung tâm tại tiểu khu 5 thị trấn Ít Ong; khảo sát thực tế khu vực thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường 4 dự án. Tăng cường kiểm tra hiện trạng môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các dự án đầu tư xây dựng tại trung tâm các xã, thị trấn trên toàn huyện.

a2.jpg
Chỉnh trang nhà cửa, thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

PV: Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển xanh, bền vững, Mường La đã đề ra những nhiệm vụ chính nào trong năm 2024 và những năm tiếp theo, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tâm:

Năm 2024, huyện Mường La đã đề ra 15 chỉ tiêu phát triển KT-XH và 3 chỉ tiêu về môi trường. Theo đó, sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành Đề án Nông nghiệp xanh, khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, hồ thủy điện để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, vùng phát triển sản xuất tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả cao vào sản xuất.

Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về xây dựng tiêu chí môi trường trong nông thôn mới, đô thị.

Rà soát, lập quy hoạch bố trí các điểm tập trung trung chuyển rác thải, điểm tập kết vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu thu gom, vận chuyển rác thải thuận tiện, không để tồn lưu rác thải quá thời gian theo quy định.

Xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, chủ động lồng ghép vào các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường...

Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các khu tập trung chăn nuôi, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại trung tâm các xã, thị trấn. Cải tạo, nạo, vét hệ thống kênh mương, khắc phục tình trạng vứt rác xuống các lòng suối, kênh mương trên địa bàn.

Gắn trách nhiệm quản lý môi trường với trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý. Tiếp tục nâng cao hiệu quả ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và đôn đốc triển khai thực hiện nghiêm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mường La có tổng diện tích tự nhiên trên 142.000 ha; gồm 12 xã khu vực III, 3 xã và 1 thị trấn khu vực I; 195 bản, tiểu khu; trên 22.470 hộ dân, hơn 105.804 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc cùng sinh sống.

Năm 2023, toàn huyện còn 3.171 hộ nghèo, tỷ lệ 14,11%, giảm 3,5% so với năm 2022; 2.574 hộ cận nghèo, tỷ lệ 11,46%. Năm 2024, phấn đấu hạn chế tối đa tái nghèo, tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống còn 11,11%.

Nguyễn Nga (thực hiện)