Xã hội

Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh): Nhiều giải pháp tạo sinh kế để hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững

Phạm Hoạch 27/03/2024 - 16:15

(TN&MT) - Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Đầm Hà đã triển khai quyết liệt, sáng tạo với những giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay huyện Đầm Hà đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Để chia sẻ kinh nghiệm, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn bà Đỗ Thị Ninh Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà.

anh-dh-02.jpg
Bà Đỗ Thị Ninh Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà

Phóng viên: Thưa bà, thời gian qua, huyện Đầm Hà đã triển khai những giải pháp gì để trở thành huyện đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao?

Bà Đỗ Thị Ninh Hường: Là huyện miền núi nông nghiệp, bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã quán triệt và nhận thức sâu sắc "Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là tiền đề, động lực để hiện thực hóa mục tiêu làm cho đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn".

Huyện tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã, xây dựng và ban hành các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Đề án, Kế hoạch thực hiện của chính quyền các cấp trong huyện về Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tăng cường trách nhiệm của Ban chỉ đạo và các cơ quan giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chỉ đạo, phụ trách địa bàn, phụ trách tiêu chí, chỉ tiêu gắn trách nhiệm đứng đầu ngành, lĩnh vực quản lý. Hàng tháng, thực hiện kiểm đếm, đánh giá kết quả, tiến độ triển khai các tiêu chí, chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Tổng nguồn lực đầu tư cho các nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao của huyện Đầm Hà gần 6.000 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp công sức, của cải vật chất rất lớn của người dân và doanh nghiệp. Hàng loạt các công trình như điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hoá xã, thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang. Đến nay toàn huyện có 383/383 km đường giao thông được trải nhựa và bê tông hóa, trong đó đường xã, liên xã 42,42 km, đường thôn, liên thôn 138,61 km, đường ngõ xóm 84,61 km.

Phóng viên: Một trong những kết quả nổi bật là đến nay huyện Đầm Hà không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương, vậy địa phương đã có những chính sách, cách làm sáng tạo, hiệu quả như thế nào đối với công tác này, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Ninh Hường: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, với nhiều cách làm sáng tạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Đầm Hà đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, đến nay, huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí Quốc gia.

Để đạt được kết quả này, trong thời gian qua huyện Đầm Hà đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tới hộ nghèo, cận nghèo và nhân dân trên địa bàn huyện.

anh-dh-03.jpg
Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm Đầm Hà đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở địa phương

Đồng thời, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với các tổ chức thành viên của các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng tổ chức với phương châm “không để hộ nghèo, hộ khó khăn nào không có tổ chức hỗ trợ”.

Cùng với đó, tập trung đổi mới phương thức hỗ trợ người nghèo theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện, cũng như triển khai các giải pháp tạo sinh kế để hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

Nhờ đó, trong 3 năm qua, huyện đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 28 hộ nghèo, cận nghèo, hộ khuyết tật, người cao tuổi, neo đơn với số tiền gần 3 tỷ đồng; giải quyết cho 8.216 lượt hộ nghèo, cận nghèo và trên 2.500 lao động vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập với tổng dư nợ đạt trên 537 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, huyện Đầm Hà đã tổ chức được 16 lớp sơ cấp nghề cho 456 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó, tạo việc làm mới cho gần 1.500 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87%.

Nhờ thực hiện đồng bộ, sáng tạo các giải pháp giảm nghèo, từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, hết năm 2023 Đầm Hà không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ.

Phóng viên: Thời gian tới, địa phương sẽ triển khai những giải pháp gì để giữ vững huyện nông thôn mới nâng cao gắn với công tác giảm nghèo bền vững đối với người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số?

Bà Đỗ Thị Ninh Hường: Với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là một hành trình chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc”, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đầm Hà tiếp tục xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện và lâu dài. Trong đó, xác định việc củng cố, giữ vững và nâng chất tiêu chí huyện NTM nâng cao phải gắn với phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững đối với người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số, phải lấy người dân là chủ thể.

anh-dh-04.png
Diện mạo huyện Đầm Hà ngày càng khang trang, sạch đẹp

Để hiện thực hoá mục tiêu đó, huyện Đầm Hà sẽ tập trung thực hiện tốt các nhóm, nhiệm vụ giải pháp sau: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở: Các thành viên Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NMT huyện; Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội, cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội huyện có trách nhiệm thực hiện nghiêm nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phân công. Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xã NTM thông minh.

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch, hữu cơ theo hướng hiện đại, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS.

Trân trọng cảm ơn bà!

Phạm Hoạch