Xã hội

Nông nghiệp xanh giúp nông dân Vĩnh Phúc thoát nghèo

Việt Anh 27/03/2024 - 16:15

Với sự lan tỏa tích cực từ 2 Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”, diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm mỗi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nông dân Vĩnh Phúc thi đua sản xuất giúp nhau làm giàu

Để phát triển và nâng cao hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch và triển khai phong trào tới 100% các cấp hội, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, chủ động phát triển các mô hình theo hình thức gia trại, trang trại, tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi…

Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội phối hợp tổ chức 2.089 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 150.600 lượt cán bộ, hội viên. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp giới thiệu, hướng dẫn nông dân tiếp cận máy móc, thiết bị nông nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 60 mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai hoạt động giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề…

ndthoidaimoi2.jpg
Lan toả từ Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”

Qua đó, thu hút được đông đảo hội viên nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, thử thách; mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao; giúp đỡ nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2018 đến nay, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp hơn 350 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm… với tổng trị giá gần 7 tỷ đồng và hơn 5.800 ngày công lao động; đóng góp xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa; giúp nhiều hộ nghèo có thêm nguồn lực phát triển sản xuất; đóng góp hàng tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương...

Hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân cũng được các cấp hội tiếp tục triển khai hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt hơn 50,7 tỷ đồng cho hơn 1.270 hộ vay; vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 1.450 tỷ đồng cho hơn 28.000 hộ vay.

Việc đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, mà còn tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm thế mạnh, sản xuất theo chuỗi. Qua đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn.

rau-huu-co.gif
Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Cùng với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thời gian qua, Phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” đã được triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh thông qua việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ.

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800 ha tại 71 xã, phường, thị trấn; mô hình hữu cơ trên cây ba kích với và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4 ha tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho Hạ đen tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên.

mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đã được hình thành như: cùng trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ tại huyện Lập Thạch; vùng trồng rau su su theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Đảo; vùng trồng lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương; chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc…

Để tiếp thêm động lực, tạo sức lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025".

Hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Với các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính; tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp đạt trung bình 2,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5 - 6%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, có ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại.

rau-sach.jpg
Vĩnh Phúc hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Đặc biệt, mục tiêu giai đoạn 2022-2030 Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực FDI từ 2,0-2,25 tỷ USD, nâng tỷ lệ vốn đầu tư của các quốc gia, vùng lãnh thổ vào tỉnh như: Nhật Bản, Hàn Quốc, singapore, Trung Quốc, Hoa Kỳ....Với trọng tâm thu hút vào các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đây chính là định hướng phát triển bền vững của Vĩnh Phúc thời gian tới.

Việt Anh