Cao Bằng: Nỗ lực giảm nghèo
Năm 2024, tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tỉnh phấn đấu, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên).
Tỉnh đã tập trung thực hiện các dự án theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đã thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo được 177 lượt công trình hạ tầng (107 công trình giao thông, 12 công trình điện, 34 công trình trường học, 07 công trình y tế, 03 công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao, 09 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, 04 công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, 01 công trình do cộng đồng dân cư đề xuất); duy tu bảo dưỡng 64 công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Triển khai thực hiện 94 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững…
Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được 3.412 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2024, tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Nâng cao chất lượng cuộc sống; tích cực hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Phấn đấu toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4% trở lên.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh cùng với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường huy động, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Một trong những Dự án nhằm giảm nghèo trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều hiệu quả là Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng được triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay với mục tiêu tổng quát của dự án là góp phần giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận thị trường cho các nông hộ nghèo của tỉnh.
Dự án gồm 4 hợp phần chính, đó là: Hỗ trợ quy trình lập kế hoạch phát triển KT-XH có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng thị trường; Hỗ trợ xây dựng ngành “nông nghiệp xanh”; Hỗ trợ các trang trại, nông hộ có khả năng sinh lời được kết nối với nguồn tài chính và thị trường; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị điều phối dự án. Dự án được triển khai tại 30 xã của 3 huyện Hà Quảng; Nguyên Bình, Thạch An.
Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và sự quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo Dự án và sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực thi, sự đồng lòng của cộng đồng nhân dân trong việc triển khai thực hiện Dự án.
Kết quả: số lượng người được tiếp cận các hoạt động Dự án đến nay là trên 23 nghìn người; gần 13 nghìn hộ được hưởng lợi, với hơn 57 nghìn thành viên trong hộ. Dự án đã thực hiện được gần 95% tổng mức đầu tư, kết quả khá rõ nét trên tất cả các hợp phần như: Xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp xã. Đã có 100% xã phường trên toàn tỉnh được tập huấn và áp dụng.
Phê duyệt Kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dựa trên ngành hàng là các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương. Việc thực hiện kế hoạch giúp các hộ dân chuyển đổi từ hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ khâu cung ứng con giống, cây giống đảm bảo chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, qua đó góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo.
Hỗ trợ thành lập 678 tổ hợp tác, trong đó có 644 tổ đã được Dự án tài trợ với số tiền là 43,5 tỷ đồng. Trong đó có hơn 120 tổ có liên kết với các doanh nghiệp, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ đầu tư 187 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn và đã được bàn giao và đưa vào sử dụng phục vụ cho sản xuất; thành lập được 322 nhóm tiết kiệm tín dụng; có 06 doanh nghiệp/hợp tác xã được tài trợ để tham gia liên kết theo chuỗi giá trị...
Từ thành công của Dự án CSSP đã đạt được trong việc phát triển chuỗi giá trị, tỉnh Cao Bằng tiếp tục hoàn thiện thể chế các kế hoạch đầu tư chiến lược (SIP); kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị (VCAP) nhằm phát triển chuỗi giá trị theo định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thành công các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại tỉnh Cao Bằng. Tỉnh chú trọng triển khai thực hiện theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sản phẩm nông nghiệp.
Theo đó, giai đoạn 2018-2021 có 161 dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giai đoạn 2022 đến nay đã phê duyệt và triển khai thực hiện 58 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng 05 SIP cấp tỉnh và được đưa vào thực hiện gồm: lợn đen, bò Mông, dong riềng, gừng hàng hóa và lúa gạo chất lượng cao…
Các bản SIP nhằm cụ thể hóa những mục tiêu, nội dung và giải pháp theo Đề án nông nghiệp thông minh, Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Ban thực thi Dự án của Sở đã phối hợp với Ban điều phối dự án CSSP tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT 3 huyện vùng Dự án xây dựng được 08 VCAP cấp huyện, 53 bản VCAP cấp xã. Phối hợp dự án CSSP và nhóm chuyên gia - Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD)…
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, một số chuỗi giá trị nông nghiệp đang dần được đẩy mạnh phát triển và có chỗ đứng trên thị trường, thu hút nhiều nhóm sở thích/Tổ hợp tác tham gia mở rộng vùng trồng nguyên liệu, các Doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm như cây thạch đen, miến dong, gừng hàng hóa,…Các huyện trong vùng dự án đang từng bước thể chế hóa nội dung SIP, VCAP; lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc hữu của địa phương góp phần vào việc triển khai thành công, hiệu quả các chuỗi giá trị nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.