Bình Phước: Nắng hạn "đe doạ" cây trồng
(TN&MT) - Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài từ nhiều tháng qua nên xuất hiện tình trạng cây trồng bị khô héo, mực nước ở các ao hồ, suối đang khô cạn dần. Hiện tại, ngành chức năng tỉnh Bình Phước đang nỗ lực điều tiết nước ở các hồ lớn để hỗ trợ người dân cứu cây trồng.
Người dân lo lắng
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày từ 12h00 -16h00, nhiệt độ giao động từ 350C - 370C, có nơi trên 370C. Nguồn nước ở các hồ thủy lợi, ao, sông suối khắp nơi trong tỉnh bị khô cạn, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và đời sống sinh hoạt của nông dân.
Như nhiều hộ dân khác ở TX Bình Long và huyện Lộc Ninh, gia đình anh Nguyễn Văn Hưng phải gánh chịu nắng hạn từ giữa tháng 12 đến nay. Theo anh Hưng, gia đình anh có 2ha cây sầu riêng hiện đang bước vào giai đoạn thu chính và đang ra hoa nhưng do nước ở hồ bị thiếu nên vườn cây của anh bị ảnh hưởng rất lớn. “Nắng kéo dài thêm nữa tháng nữa chắc năm nay gia đình tôi khỏi thu hoạch gì rồi, hoa rụng hết lấy đâu trái mà thu”, anh Hưng chua chát nói.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hoàng Lâm (ấp Nam Đô, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) lo lắng vì hồ nước tưới đã cạn khô đáy. "Để kịp thời cứu vườn cà phê và hàng trăm cây bưởi da xanh, tôi đã dùng đá ngăn dòng suối cạnh hồ đưa nước vào tưới nhưng chỉ được một thời gian ngắn vẫn thiếu nước. Hiện tại, chỉ còn một ít nước ở suối đổ vào để tưới nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Nếu cứ tiếp tục thế này, cà phê không thể nào đậu trái”, anh Lâm lo lắng nói.
Nỗ lực ứng phó
Theo Sở NN&PTNT Bình Phước, toàn tỉnh Bình Phước có 76 công trình thủy lợi. Trong đó, có 65 hồ chứa, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh thủy lợi đang vận hành khai thác. Năng lực thiết kế tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp là 9.286 ha. Hiện mực nước tại các hồ đang tiếp tục xuống thấp so với mực nước dâng bình thường. Trong đó, hồ Bù Ka (xã Long Hưng, huyện Phú Riềng) giảm 2,5m.
Hồ Đắk Tol (phường Sơn Giang, TX. Phước Long), hồ An Khương (xã An Khương, Hớn Quản) và hồ Bình Hà (xã Đa Kia, Bù Gia Mập) đều giảm 1,8m. Dung tích còn lại của các hồ giảm 28% so với tổng dung tích các hồ chứa. Đặc biệt, hồ M26 (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) dung tích còn lại 11%; hồ Bù Ka còn 13%; hồ Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh) còn 40%. Trong khi đó, mực nước các công trình thủy điện trên Sông Bé, như: Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-3m.
Theo ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc NN&PTNT Bình Phước, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Phước ban hành Công văn số 4766/UBND-KT ngày 29/12/2023 đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2024.
Trong đó, đề nghị UBND cấp huyện phối hợp Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước và các trạm dịch vụ thủy lợi trên địa bàn xây dựng kế hoạch, lịch xả nước phục vụ tưới cho diện tích cây công nghiệp; đồng thời, thông báo chính quyền cấp xã về lịch điều tiết nước để người dân chủ động sản xuất; xem xét, giải quyết kiến nghị của các huyện, thị xã, thành phố về việc cải tạo các hồ chứa, nâng công suất các trạm cấp nước cho người dân địa phương...
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 1.190 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trên 7.866 ha cây trồng thiếu nước tưới gây thiệt hại. Trong đó, nắng nóng gây thiếu nước và thiệt hại cây trồng nhiều nhất tại các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; xã Thọ Sơn, Bom Bo, huyện Bù Đăng và một số xã của huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú và thị xã Bình Long.