Đất đai

Bắc Hà (Lào Cai) quản lý đất nông trường, lâm trường: Đúng pháp luật, tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Bích Hợp 27/03/2024 - 10:52

(TN&MT) - Là huyện có diện tích đất có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh tương đối lớn, thời gian qua huyện Bắc Hà đã và đang khó khăn trong giải bài toán quản lý đất đai đối với loại hình đất này. Do đó, Bắc Hà đã tăng cường công tác quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh để điều chỉnh và đồng bộ kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện.

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hiện có 30.169,91 ha đất lâm nghiệp. Để triển khai thực hiện quản lý đất, Bắc Hà đã ban hành Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán xác định ranh giới, cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo vẽ bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn huyện Bắc Hà,

Theo đó, UBND huyện Bắc Hà đã giao phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bắc Hà là cơ quan chủ trì đôn đốc các đơn vị triển khai đề án trên địa bàn huyện. Các đơn vị thi công đã chủ động triển khai hội nghị đến UBND xã, trưởng các thôn, bản và các chủ sử dụng liên quan của 18 xã.

bac-ha-1.png
Bắc Hà tổ chức cuộc làm việc với Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai) nhằm tháo gỡ khó khăn trong quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Các đơn vị tư vấn đã khảo sát các xã thực hiện đề án để thu thập các tài liệu liên quan gồm có: Các quyết định giao đất, thu hồi đất của Ban quản lý rừng phòng hộ, các loại bản đồ có liên quan (bản đồ địa chính dự án tổng thể, bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10000 giao đất lâm nghiệp, đất đồi núi chưa sử dụng đang thực hiện); Xác định ranh giới đất tại thực địa đối với đất của Ban quản lý rừng phòng hộ; Đối với đất rừng do Ủy ban xã, cộng đồng dân cư quản lý.

Nhìn chung công tác tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn huyện Bắc Hà còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đề ra. Trong quá trình thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc như: Đất rừng phòng hộ chồng lấn với đất rừng do UBND xã quản lý và hộ gia đình cá nhân nhiều dẫn đến mất nhiều thời gian để xác định ranh giới ngoài thực địa.

Các chủ hộ gia đình cá nhân đi làm ăn xa vắng mặt tại địa phương dẫn đến việc xác định các đất chủ hộ liền kề gặp khó khăn; Đất xâm canh, xâm cư giữa hộ gia đình cá nhân trong phạm vi địa giới hành chính xã dẫn đến khó khăn trong việc xác định ranh giới; Việc triển khai đồng loạt dẫn đến cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ đang kiêm nhiệm 1 người phụ trách 2 xã nên còn phải chờ đợi, mất thời gian; Qua quá trình triển khai phát hiện đo đạc cụ thể sai khác so với bản đồ tổng thể thì phần diện tích này có phải đo đạc lại hay tiếp biên chỉnh lý phần diện tích trên.

dat-dai.jpg
Giải bài toán quản lý đất, đặc biệt là quản lý đất có nguồn gốc từ các lâm, nông trường quốc doanh đang là một trong nhưng bài toán khó tại huyện vùng cao Bắc Hà.

Ông Hoàng Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án nhằm tạo sự đồng thuận và tham gia của nhân dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức trên địa bàn. Cử đại diện tham gia xác định ranh giới, mốc giới thửa đất của hộ gia đình, cá nhân với Ban quản lý rừng phòng hộ, đất rừng UBND xã quản lý trong việc tổ chức cắm mốc, đo đạc, lập hồ sơ ranh giới mốc giới, lập hồ sơ địa chính. Yêu cầu công khai, minh bạch, niêm yết kết quả rà soát tại trụ sở UBND xã và cộng đồng dân cư; Tăng cường công tác kỷ luật, kỷ cương, nghiêm cấm việc hợp lý hóa các hồ sơ, diện tích vi phạm quản lý Nhà nước về đất đai.

Đồng thời, yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Hà tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai của các đơn vị; định kỳ hàng tuần, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện để chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Đối với các đơn vị thi công ông Khoa cho biết, huyện Bắc Hà đề nghị các đơn vị tổ chức làm việc cụ thể với các xã, để thống nhất quy trình, hoàn thiện kế hoạch cụ thể, chi tiết từng xã để tổ chức thực hiện, nêu rõ những việc cần làm, tiến độ, trách nhiệm cán bộ liên quan, việc phối hợp của cấp xã... Thực hiện nghiêm túc Hợp đồng đã ký kết đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định.

Bích Hợp