Tiếng dân

Simacai (Lào Cai): Dân lo sợ khi sống cạnh Nhà máy thủy điện đang thi công!

Đức Hải - Thúy Hà 26/03/2024 - 16:22

(TN&MT) - 13 hộ dân sinh sống cạnh Nhà máy Thủy điện Simacai đang được xây dựng, khi được hỏi, đều chung tâm trạng lo lắng. Nếu như mùa lũ năm ngoái, nước cuốn về, thì đời sống bà con rất "báo động". Năm nay, mùa mưa sắp về, thời tiết khó lường, nỗi lo sợ đó lại dần hiện hữu trong tâm trí của người dân nơi đây.

Nhiều nhà bị ảnh hưởng

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Bon, trú tại thôn Cốc Rế, xã Bản Mế, huyện Simacai cho biết: Nhà chị sinh sống ở đây hàng mấy chục năm rồi. Cuối năm 2021, Công ty CP Simacai khởi công xây dựng thủy điện. Các nhà thầu hàng ngày đào xới bên dưới suốt đêm ngày. Đỉnh điểm là vào khoảng tháng 8/2023, có vết nứt, sụt chân dưới bờ sông Chảy. Nhà chị bên trên, nên có nguy cơ đổ sập, quá bức xúc chị đã kiến nghị đến Ban Quản lý dự án. "Họ có đến và nói sẽ đền cho gia đình tôi 10 triệu đồng. Thấy số tiền quá ít không đủ để gia đình sửa chữa nhà nên tôi không lấy. Từ đó đến nay, Ban Quản lý dự án Thủy điện Simacai “phớt lờ” luôn". - Chị Bon bức xúc.

lcai-nguoi-dan-khieu-nai-thuy-dien-simacai(1).jpg
Chị Hoàng Thị Bon và anh Súng Séo Pao, là hai hộ dân trong số 13 hộ dân hiện đang sống "chênh vênh" ven bờ sông Chảy, sát ngay dự án thủy điện Simacai, huyện Simacai, Lào Cai đang thi công. Bờ tường phía sau lưng 2 người đã rạn nứt, cứ "vá vào" lại nứt, do địa hình không ổn định.

Anh Súng Séo Pao, một người hàng xóm, sinh sống bên cạnh nhà chị Bon cũng cho biết: Nhà anh khi thấy nứt, có kêu cứu lên thôn bản và xã. Sau đó, Ban Quản lý dự án Thủy điện Simacai có đền bù cho gia đình anh được 70 triệu đồng. Anh Phao cho biết thêm: Kể từ khi nhận tiền, anh có yêu cầu phía Công ty CP Simacai phải ký cam kết, bảo đảm sự an toàn cho gia đình anh và những người dân sinh sống tại đây. Tuy nhiên, phía Công ty Simacai cũng “phớt lờ” luôn lời đề nghị thiện chí đó. Và từ đó đến nay, cứ mỗi khi có mưa lớn, gia đình anh lại không dám ở trong nhà, hoặc thức trắng đêm đề phòng nước lũ cuốn về, không cẩn trọng lại cả gia đình "ăn đủ", anh Pao chia sẻ.

Qua tìm hiểu, PV được biết: Dự án Thủy điện Simacai có công suất máy 18 MW, do Công ty CP Simacai, có địa chỉ tại Lô 68, Khu Tái định cư đường D3, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư công trình: 749,598 tỷ đồng. Thủy điện Simacai đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 4943/QĐ-BCT ngày 27/12/2018; điều chỉnh vị trí quy hoạch tại Quyết định số 331/QĐ-BCT ngày 1/2/2021; UBND tỉnh Lào Cai cho phép đầu tư tại Quyết định Chủ trương đầu tư số 2108/QĐ-UBND ngày 15/7/2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3738/QĐ-UBND ngày 21/10/2021. Đến ngày 19/12/2021, dự án thủy điện Simacai được khởi công xây dựng tại thôn Cốc Rế, xã Bản Mế. Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ - Vinacomin (ITASCO) là tổng thầu xây lắp. Nhà thầu thi công là Công ty Sông Đà 4. Nhưng đến thời điểm phóng viên đến tác nghiệp thì nhà thầu này đã không còn, thay vào đó là Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 18.1, có địa chỉ tại Phố Trần Quốc Nghiễn, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm nhà thầu chính, đang thi công phần cửa nhận nước và chân hố móng nhà máy.

lcai-khoi-cong.jpg
lcai-thuy-dien-simacai.jpg
Lễ khởi công của Công ty CP Simcai năm 2021, nhưng qua hơn 3 năm, dự án vẫn ì ạch.

Chưa có giải pháp ổn thỏa?

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã đến UBND xã Bản Mế để tìm hiểu sự việc, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì vị Chủ tịch xã Bản Mế đã tìm cách né tránh trách nhiệm và cho nhân viên cáo lỗi với phóng viên.

ubnd.jpg
Trụ sở UBND xã Bản Mế, huyện Simcai, tỉnh Lào Cai.

Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Simacai, cho biết: Việc 13 hộ dân sinh sống tại thôn Cốc Rế là có thật. Những nhà nào bị ảnh hưởng thì phía doanh nghiệp đã đền bù. Đến nay, sau nhiều lần họp bàn của các cấp huyện, tỉnh… chính quyền địa phương đã yêu cầu Công ty CP Simacai phải làm 1 cái kè bê tông chắn bên dưới nhằm trấn lũ. Khi được hỏi, nếu mất an toàn, thì ai chịu trách nhiệm? Ông Hiệp đã không trả lời câu hỏi này!

lcai-nguoi-dan-chi-tinh-trang-nut-nha.jpg
Nhà một người dân khác, ở xã Tả Gia Khâu, bên bờ đối diện của Sông Chảy, ngay cạnh dự án thủy điện Simacai cũng bị nứt, lở. Khiến gia đình không dám ở.

Trao đổi với PV, ông Vũ Trọng Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Simacai, cho biết: Đến nay, công ty đã đền bù hết cho các hộ dân. Còn hộ nào có ý kiến thì mời lên Ban Quản lý dự án Thủy điện Simacai.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: "Việc các hộ dân bị nứt nhà, sống "chênh vênh" ven bờ sông Chảy là rất nguy hiểm. Chủ đầu không chỉ đền bù tiền là xong mà phải có trách nhiệm tới cùng sự an toàn của các hộ dân sinh sống ở đây. Nếu thấy 13 hộ dân không thể sinh sống lâu dài cạnh Nhà máy Thủy điện thì chính quyền và Chủ đầu tư cần phải xem xét, có thể di dời họ đến nơi ở mới tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”. Bởi lẽ, suy cho cùng nếu có chuyện xấu xảy ra thì thiệt thòi lớn nhất vẫn là các hộ dân sinh sống tại đây".

Được biết, Dự án Thủy điện Simacai có địa điểm thực hiện tại xã Bản Mế, huyện Simacai và xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, diện tích 45,3 ha. Quy mô dự án, các hạng mục công trình chính bao gồm: Đập tràn có bề rộng 60m gồm 5 khoang tràn có cửa van; khu nhà máy gồm 2 tổ máy; kênh xả được bố trí ở cao độ 169,25m; trạm phân phối và đường dây 110Kv và các công trình phụ trợ khác. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm.

Theo tính toán, nếu đi vào sản xuất, mỗi năm, thủy điện Simacai sẽ có sản lượng điện trung bình hàng năm là 64,98 triệu kw. Kế hoạch đề ra của dự án là sẽ hoàn thành, vận hành phát điện thương mại nhà máy vào năm 2024. Nhưng đến giờ vẫn “loay hoay” phần chân đế nhà máy, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa sẽ tới mùa lũ 2024. Ai sẽ đảm bảo được sự an toàn, khi Công trình chưa chủ động điều tiết được lũ?

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Đức Hải - Thúy Hà