Bất động sản

Chung cư giữ xu hướng tăng giá

Thuỳ Linh 26/03/2024 - 11:25

(TN&MT) - Sau 10 quý liên tiếp tăng giá, giá chung cư tại Hà Nội đã tăng 30-40%.

Theo ghi nhận, hầu hết các chung cư trên địa bàn Hà Nội đang có mức độ tăng giá chóng mặt. Trung bình trong hai tháng đầu năm nay, giá chung cư đã tăng 17% so với cùng kỳ 2023. Trong danh sách chung cư có giá rao bán tăng mạnh, Royal City, The Pride, Sun Grand City có giá tăng 33%, Mipec Rubik 360 và Vinhomes west Point tăng 28%, Chung cư Đại Thanh tăng 27%, Seasons Avenue tăng 26%.

Tuy nhiên, sau một thời kỳ dài tăng giá, lượng giao dịch mua bán chung cư đã chững lại, thanh khoản khó khăn hơn.

unnamed.jpeg
Thiếu nguồn cung, chung cư HN tăng giá phi mã

Anh Nguyễn Thanh Tùng (nhân viên môi giới) cho biết, giá chung cư tăng cao quá khiến người mua e dè. Khoảng 2 tuần nay, lượng giao dịch ít dần. Nhiều căn hộ tại quận Hà Đông có giá trị 4-5,5 tỷ đồng, được rao bán nhiều ngày nay nhưng vẫn không có khách mua.

Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, sự tăng giá của chung cư này đang phản ánh quan hệ cung – cầu. Bởi lẽ tại Hà Nội, nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến hiện tượng giá tăng mạnh. Vị chuyên này dự báo, nếu nhu cầu vượt đỉnh cũ thì giá chung cư sẽ tiếp tục tăng. Nếu không thì diễn biến ngược lại.

Hiện nay, thị trường bất động sản Hà Nội đang có 5 vấn đề tác động mạnh đến giá bán căn hộ. Đó là, vướng mắc về định giá đất, vướng mắc về tính đồng bộ của quy hoạch, vướng mắc về gia hạn đầu tư, vướng mắc liên quan đến pháp luật nhà ở và vướng mắc về nguồn vốn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm dự án tại Hà Nội đang tạm trì hoãn, chưa triển khai.

Thêm vào đó, trên thị trường, các môi giới đã dùng chiêu trò thông tin liên tục về số lượng lớn khách hàng đặt chỗ mua căn hộ, đồng thời tung ra các lời mời chào hấp dẫn về ưu đãi và chiết khấu đối với khách hàng đặt chỗ sớm, không nhanh chân sẽ hết cơ hội. Điều này tạo nên hiệu ứng tâm lý đám đông và khiến thị trường có những cơn “sốt” ảo.

Để giảm thiểu tình trạng giá nhà cao một cách bất hợp lý, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các doanh nghiệp BĐS phải giảm giá nhà, giảm bớt lợi nhuận để đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc bình ổn lại thị trường BĐS. Đặc biệt, đối với phân khúc nhà giá rẻ, nhà cho người có thu nhập thấp, Nhà nước đang tập trung triển khai một cách quyết liệt. Minh chứng cho điều đó là từ đầu năm đến nay, Chính phủ liên tiếp có các cuộc họp tháo gỡ khó khăn đối với nhà ở xã hội, để tiến tới mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh ban hành các Nghị định, Văn bản dưới luật nhằm gỡ vướng vấn đề pháp lý. Đặc biệt là việc đề xuất đưa các luật mới thực thi sớm hơn dự kiến.

Với những động thái quyết liệt tháo gỡ của Chính phủ, trong năm 2024, dự báo thị trường Hà Nội sẽ đón nhận thêm khoảng 12.100 căn hộ mới. Riêng phân khúc nhà ở xã hội, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 1.200 căn. Như vậy nguồn cung sẽ dần cải thiện trong tương lai và giá nhà theo đó có sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên thời điểm này, thị trường vẫn đang trong tình trạng giá ảo, những ai có ý định mua nhà nên tạm thời trì hoãn, tránh thiệt hại không đáng có.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản VN nhận định, trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các TP lớn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng, nhất là tại phân khúc bình dân, trung cấp. Trong khi giá mua đi, bán lại của các dự án cao cấp, hạng sang có thể ghi nhận mức giảm nhẹ.

VARS kỳ vọng đến giữa năm 2025, khi các bộ Luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, BĐS mới được thông qua với các quy định mới theo hướng gỡ khó cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân chính thức có hiệu lực thì nguồn cung của phân khúc này sẽ bật tăng. Nhờ đó mà mặt bằng giá căn hộ sẽ giảm ở mức phù hợp với nhu cầu thực của người dân.

Thuỳ Linh