Môi trường

Tính giá trị dịch vụ hệ sinh thái góp phần phát triển kinh tế tại Vườn Quốc gia Pù Mát

Hoàng Ngân 25/03/2024 - 20:49

Dịch vụ hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, dân cư tham gia bảo tồn hệ sinh thái, môi trường tự nhiên. Tại Vườn Quốc gia Pù Mát, kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng giá trị kinh tế của một số loại dịch vụ hệ sinh thái ước đạt 12.813,36 tỷ đồng.

phumat1.jpg
Vườn Quốc gia Pù Mát có diện tích khoảng 250.000 ha, là nơi cung cấp nhiều chức năng của hệ sinh thái tự nhiên

Vườn Quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, phía Đông của dãy Trường Sơn giáp Lào. Pù Mát là một trong những khu rừng đặc dụng của Việt Nam với tổng diện tích khoảng 250.000 ha.Nơi đây có hơn 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật sinh sống.

Pù Mát được đánh giá là nơi cung cấp nhiều chức năng của hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm các dịch vụ cung cấp (lâm sản như thực phẩm, dược liệu, cá,…), dịch vụ điều tiết (điều tiết nước, phòng chống lũ lụt, giảm tác động của thiên tai cho vùng hạ lưu, là bể chứa các-bon lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ). Vườn Quốc gia Pù Mát còn chứa đựng các giá trị về du lịch, giải trí với những điểm du lịch hấp dẫn như thác Kèm, đập Phà Lài, sông Giăng.

Mặc dù có vai trò to lớn nhưng các giá trị của hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Pù Mát vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Bên cạnh đó, đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia đã và đang có nguy cơ bị suy giảm bởi các hoạt động khai thác, săn bắt, bẫy bắt bất hợp pháp của người dân.

Trong bối cảnh đó, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam thực hiện nghiên cứu “Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát”. Nghiên cứu nhằm xác định rõ những đóng góp về mặt kinh tế của Vườn Quốc gia Pù Mát cung cấp, hỗ trợ các nhà hoạch định trong quá trình xây dựng các chính sách của địa phương nhằm bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên rừng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Vườn Quốc gia Pù Mát có đóng góp rất lớn cho con người, nền kinh tế và môi trường của tỉnh Nghệ An. Tổng giá trị kinh tế của một số loại dịch vụ hệ sinh thái ước đạt 12.813,36 tỷ đồng. Khu vực có tổng giá trị cao nhất tập trung chủ yếu ở vùng lõi của vườn quốc gia, với mức giá trị 75-85 triệu đồng/ha. Tổng giá trị nhóm dịch vụ cung cấp, dịch vụ văn hóa của Vườn quốc gia đạt mức 90,67 tỷ đồng/năm (trung bình 0,5 triệu đồng/ha, đạt 0,71% tổng giá trị). Trong đó, giá trị gỗ và măng rừng đạt 3,96 tỷ đồng/năm, du lịch đạt 86,7 tỷ đồng/năm.

Giá trị nhóm dịch vụ điều tiết của Vườn Quốc gia là 12.722,7 tỷ đồng (trung bình 69,85 triệu đồng/ha, tỷ lệ đạt 99.29% tổng giá trị). Trong đó, giá trị lưu trữ các-bon là 11.059,7 tỷ đồng (trung bình 60.72 triệu đồng/ha), giá trị điều tiết nước cho sản xuất thủy điện là 1.663 tỷ đồng, chiếm 12,98% tổng giá trị kinh tế của Vườn Quốc gia.

2-4-.jpg
Các hoạt động du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa

Theo ông Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Để lượng giá giá trị kinh tế của Vườn Quốc gia Pù Mát, dữ liệu được thu thập từ tài liệu, báo cáo của các cơ quan, ban ngành địa phương và từ phiếu phỏng vấn 462 hộ gia đình và cán bộ làm công tác quản lý, kiểm lâm trong khu vực Vườn quốc gia.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, lượng giá được giá trị gỗ (từ rừng trồng sản xuất) của Vườn Quốc gia Pù Mát ước tính trung bình khoảng 0,868 triệu đồng/ha. Khu vực đủ điều kiện khai thác trong thời gian thực hiện nghiên cứu là 614,141 ha. Như vậy, tổng giá trị gỗ từ rừng trồng sản xuất tại Vườn quốc gia tương ứng là 533,074 triệu đồng.

Bên cạnh đó, măng rừng cũng là một trong những lâm sản ngoài gỗ tiêu biểu tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Măng tre, nứa tự nhiên trong rừng vừa là nguồn thực phẩm quan trọng của người dân địa phương, vừa tạo nguồn thu nhập bổ sung, tạo việc làm cho phụ nữ, thanh niên dân tộc. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 51,9% các hộ gia đình được khảo sát có vào rừng khai thác măng. Thu nhập bình quân của một hộ gia đình khi tham gia khai thác măng là 4,450 triệu đồng/năm.

Kết quả lượng giá chi tiết giá trị lưu trữ các-bon của Vườn Quốc gia Pù Mát cho thấy, tổng lượng các-bon lưu trữ là 26,227 triệu tấn, tương ứng với tổng lượng CO2 đã được hấp thụ là 96,167 triệu tấn. Ước tính giá trị lưu trữ các-bon của Vườn Quốc gia lên đến 11.059,22 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, việc nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái giúp người dân và các cơ quan quản lý hiểu được giá trị các loại hình dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt là dịch vụ cung cấp, điều tiết và dịch vụ văn hoá để phát triển sinh kế bền vững cho người dân trong vùng.

Ông Lại Văn Mạnh khuyến nghị, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cần xây dựng thí điểm chính sách đảm bảo tài chính hoạt động ổn định cho các chủ rừng thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục nhận thức cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Đồng thời các giá trị của nguồn vốn tự nhiên ở Pù Mát cần được sử dụng cho phát triển sinh kế bền vững của người dân trong vùng.

Hoàng Ngân