Biến đổi khí hậu

Nông nghiệp Đắk Lắk “chuyển mình” trước biến đổi khí hậu

Phạm Hoài 25/03/2024 - 19:22

Đắk Lắk là một trong những tỉnh bị tác động rất lớn do biến đổi khí hậu, nhất là về sản xuất nông nghiệp. Do đó, những năm qua ngành nông nghiệp của tỉnh luôn tìm mọi cách để thay đổi canh tác, nghiên cứu giống nhằm chống biến đổi khí hậu giúp cho bà con nông dân phát triển cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế giúp đời sống người dân ngày một ổn định hơn.

a-ca-phe.jpg
Người dân chăm sóc cà phê với giống mới giúp chống biến đổi khí hậu

Từng bước thay đổi

Những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, năng suất một số cây trồng như lúa, ngô, cà phê, cao su, điều và tiêu luôn cao hơn so với các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán ở Tây Nguyên cho thấy biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ rệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 13 đợt thiên tai (gồm 7 trận lốc tố, 2 đợt hạn hán, 4 đợt mưa lũ) làm khoảng 25.890 ha cây trồng các loại bị thiệt hại; trên 3.300 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 211 tỷ đồng.

Để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, ngoài mô hình nông nghiệp tích hợp công nghệ thông minh còn có các mô hình liên quan đến quản lý nước và tưới tiêu thông minh được áp dụng trong hầu hết các hệ thống sản xuất cây trồng ở Đắk Lắk như cà phê, tiêu, cây ăn quả...

Điển hình như, gia đình anh Nguyễn Văn Thời, trú tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin trồng hơn 2hecta cà phê và hơn 1ha chuối cách đây hơn 6 năm có thu nhập ổn định hơn 400 triệu đồng/năm. Theo anh Thời, giai đoạn đầu chưa nắm bắt được kỷ thuật cộng với thời tiết có những thay đổi cực đoan nên thu nhập bấp bệnh do bị nắng hạn và gió. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình đã chuyển phần đất thiếu nước và gió từ trồng cà phê sang trồng chuối. Còn vườn cà phê anh thay thế dần giống mới sai trái và chống chịu được nắng hơn hơn.

nuoc.jpg
Nhiều công trình giữ nước giúp bà con có nước tưới vào thời điểm khô hạn

Tìm biện pháp phù hợp

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, nhận thấy tình hình biến đổi khí hậu ngày một ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Do đó, từ nhiều năm này việc áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh (các giống lúa lai, các giống cà phê lai tạo…); phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất cà phê... cũng giúp điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất. Điều này cũng giúp nông dân đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng thích ứng với BĐKH.

Theo Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ nông dân canh tác trong tình hình biến đổi khí hậu như: Xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai các biện pháp giúp nông dân giảm bớt thiệt hại và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Viện Nghiên cứu KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đang phối hợp cùng chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây lâu năm trong các vườn cà phê. Đây được xem là giải pháp không những góp phần duy trì, phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững mà còn tăng hàm lượng hữu cơ trong đất, tăng hiệu quả kinh tế cho các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên.

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường đã tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc học các kỹ thuật mới và cung cấp cho nông dân những hỗ trợ như phân bón phù hợp với từng vùng, từng loại đất và các thay đổi của khí hậu là một trong những nội dung rất quan trọng giúp người dân chống biến đổi khí hậu và có điều kiện làm kinh tế để thoát nghèo.

Hiện nay, về các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, cuộc sống của người dân ở các buôn làng ngày càng thay đổi. Các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến thôn, buôn đều được rải nhựa, đổ bê-tông sạch đẹp với nhiều ngôi nhà mới xây dựng khang trang. Những công trình giữ nước để chống chịu với mùa khô hạn ở Tây Nguyên cũng đã phát huy hiệu quả, phục vụ nông nghiệp bền vững cho người dân địa phương.

Phạm Hoài