Bến Tre: Nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương Bến Tre tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh mới; từng bước cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo.
Tập trung chăm lo cho người nghèo
Ba Tri là huyện ven biển, nơi có tỷ lệ hộ nghèo khá cao của tỉnh Bến Tre. Điểm nổi bật trong thực hiện giảm nghèo bền vững ở đây đó là địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo; giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Trong đó, điển hình nhất là mô hình giảm nghèo 5+1 của Hội Cựu chiến binh xã Tân Xuân; mô hình Tổ hợp tác hỗ trợ vốn không lời của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Phú Trung và An Đức; mô hình chăn nuôi kết hợp lao động tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại xã An Đức…
Song song đó, căn cứ vào đặc điểm tình hình và kế hoạch của địa phương, huyện Ba Tri đã chủ động thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án, hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, các chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, công tác vận động hỗ trợ hộ nghèo cũng luôn được các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể địa phương, các nhà hảo tâm tích cực ủng hộ, giúp đỡ. Thông qua đó đã giúp tăng cường các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án, mô hình phát triển sản xuất, đặc biệt là đối với các xã bãi ngang ven biển còn khó khăn nhằm tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của địa phương.
Còn tại huyện Giồng Trôm, thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, địa phương cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn đã giúp cho đời sống người dân nông thôn được cải thiện có nhiều đổi mới và khởi sắc. Cụ thể, trong 3 năm qua, các chế độ chính sách xã hội luôn được thực hiện kịp thời như: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bàn giao hơn 400 nhà tình thương, trên 90% hộ nghèo có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ viễn thông được hỗ trợ tiếp cận; duy trì chàng chục mô hình giảm nghèo với hàng trăm hộ tham gia nuôi dê, nuôi bò sinh sản; giải ngân vốn tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo hơn 1.800 lượt số tiền trên 35,6 tỷ đồng…
Hiện nay, huyện Giồng Trôm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và tính chủ động, tích cực của người người dân và cộng đồng cùng tham gia thực hiện, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất. Đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp mang tính bền vững như: đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc làm sau đạo đạo; thực hiện các mô hình phát triển cộng đồng, mô hình phát triển trong nông nghiệp và thực hiện đa dạng hóa sinh kế.
Theo nhận xét, đánh giá của UBND tỉnh Bến Tre, trong phong trào thi đua vì người nghèo luôn được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị; phát huy được sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Năm qua, tỉnh Bến Tre đã có các kế hoạch nhằm hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; thực hiện các chính sách xã hội; thực hiện các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; công tác quản lý, điều tra rà soát hộ nghèo; xã hội hóa công tác giảm nghèo.
Cùng với đó, địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đáng chú ý, tỉnh Bến Tre đã xây dựng thành công 50 danh mục nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với từng đối tượng lao động.
Ngoài ra, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước, vận động sự chung tay đóng góp của xã hội, qua đó tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông ở Bến Tre là 55 triệu đồng/ người/ năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2022. Toàn tỉnh có 10.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,64%; có 10.461 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,59%.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để tạo việc làm bền vững, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo và giảm dần khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,25% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025; tổng nguồn vốn huy động cho công tác này khoảng 1.200 tỷ đồng.
Về giải pháp thực hiện, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và tính chủ động, tích cực của người nghèo, người dân và cộng đồng cùng tham gia thực hiện công tác giảm nghèo.
Cùng với đó, thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trong đó ưu tiên các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và tăng cường vận động các nguồn lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, phối hợp thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; hỗ trợ tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên tham gia phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, tập trung vận động, kết nối nguồn lực để giúp người nghèo phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.