Xã hội

Hiệu quả từ chính sách trồng rừng ở Nghệ An

Đình Tiệp 25/03/2024 - 16:33

Nghệ An là tỉnh có diện tích quy hoạch trồng rừng lớn. Trong những năm qua người dân ngày càng chú trọng trồng và chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật, mua giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao để mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Đa dạng cách trồng rừng

Là người làm nghề tự do, anh Hoàng Văn Hùng, ở bản Xóm Mới, xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) đã kinh qua nhiều nghề. Từ nghề lái máy xúc, lái xe tải, mở xưởng cưa và kinh doanh buôn bán. Thế nhưng, bằng thực tế gần 20 năm nay, anh Hùng nhìn nhận rằng, đối với đặc thù sống ở miền núi thì việc trồng, chăm sóc rừng sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn so với các nghề khác.

Nghĩ là làm. Ngoài việc vẫn duy trì những nghề để “lấy ngắn nuôi dài” thì anh Hùng đã tích cóp và vay mượn thêm để mua một số diện tích đất để tiến hành trồng rừng. Trải qua nhiều năm cố gắng, đến nay tổng số diện tích đất trồng keo nguyên liệu của anh đã lên đến hơn 30 héc ta.

anh-1(2).jpg
Một diện tích đất mới được người dân trồng cây keo ở xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp).

“Ở miền núi muốn phát triển kinh tế bền vững thì phải bám vào đất, vào rừng. Nay, rừng tự nhiên thì nhà nước đã cấm không được chặt phá nên chính sách trồng rừng thực sự là rất phù hợp với thực tế. Mình không thuộc đối tượng được giao đất trồng rừng nên đã tự tích cóp vốn liếng để nhận chuyển nhượng lại của những hộ dân không đủ tiềm năng để đầu tư.

Mình bỏ vốn liếng để cải tạo đất, đào hào ngăn trâu bò vào phá hoại rồi mua giống cây về trồng. Sau một chu kỳ trồng ban đầu mình đã trồng được hàng chục héc ta rừng và đến nay cây giống phát triển rất tốt, đã phủ xanh đất trống đồi trọc”. Cũng theo anh Hùng, những diện tích rừng anh trồng sẽ được “để giành” để thành rừng cây gỗ lớn, khi đó hiệu quả kinh tế sau khi thu hoạch sẽ cao hơn nhiều lần.

Theo tìm hiểu được biết, tại xã vùng cao Châu Phong và nhiều xã khác của huyện Quỳ Châu phong trào trồng rừng ngày càng được người dân chú trọng. Những cánh rừng trồng bạt ngàn đã phủ xanh khắp các ngọn núi, quả đồi.

Cũng tư duy như anh Hùng nhưng lại đi theo hướng khác đôi chút. Đó là nhiều hộ dân ở các xã vùng biên Quế Phong như Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong…Người dân ở đây lại chú trọng trồng cây quế bản địa (Quế Quỳ đặc sản).

anh-5.jpg
Rừng quế hơn 4ha ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong của anh Ngân Văn Tuấn.

Anh Ngân Văn Tuấn, người đang sở hữu khoảng 1 vạn cây quế trên diện tích hơn 4 ha ở bản Na Hứm, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, cho biết: “Sau khi vào tái định cư tại bản Na Hứm từ Dự án thủy điện Hủa Na, tôi bắt đầu trồng cây quế từ năm 2004. Lúc đó, giá thương lái thu mua quế đã bắt đầu tăng, hơn nữa bản thân tôi nghĩ cây quế là loài cây bản địa. Từ thời cha ông đều trồng cây quế, đất vùng này rất hợp nên quế phát triển rất tốt. Tương lai sẽ rất đáng chờ đợi…”.

Cũng theo anh Tuấn, trong những năm gần đây, được sự vận động của cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng như hỗ trợ của Ban về giống cây, kỹ thuật, phân bón… nên người dân như anh rất tự tin trồng loại cây này thay thế các loại cây trồng khác.

anh-2(1).jpg
anh-4.jpg
Người dân thu hoạch cây keo nguyên liệu sau một chu kỳ trồng kéo dài 5-7 năm.

Còn anh Lang Văn Châu, cũng ở bản Na Hứm tâm sự thêm rằng: “Cây quế phát triển rất tốt và thực tế hàng năm đã cho thu hoạch từ tỉa cành, lá bán cho thương lái chiết xuất tinh dầu. Mỗi đợt cắt tỉa cảnh như vậy cũng bán được vài triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, cây quế chỉ cần trồng vài ba năm là đã có thể cắt tỉa cành để bán, cho thu nhập, vừa để “nuôi” thân cây, cho cây phát triển nhanh hơn. Phần thu hoạch từ việc cắt tỉa cành, lá cây quế dùng để quay vòng đầu tư phân bón, công chăm sóc và các chi phí đầu tư khác…”.

Ngoài việc trồng rừng bằng cây keo, cây quế thì ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn trồng các loại cây như phi lao, bạch đàn, vàng tâm, lát hoa, gáo vàng, săng lẻ…hay thậm chí các loại gỗ quý hiếm như sa mu, pơ mu, dổi…tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, địa lý và thổ nhưỡng của từng vùng sao cho phù hợp nhất.

Đẩy mạnh trồng rừng – Lời giải cho bài toán thoát nghèo

Trong cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được biết, từ năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ tổ chức điều tra, đánh giá, chọn lọc cây trội quế quỳ trong rừng trồng tại xã Tiền Phong, Mường Nọc với một quy trình khắt khe đưa về vườn ươm giống cây Na Chạng, xã Tiền Phong.

Theo đó, cây quế được sưu tầm chọn lựa ở hàng trăm hộ dân, được tính toán các giá trị trung bình của đường kính, chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, độ dày vỏ trên cây vào phiếu điều tra cây trội. Trong hàng ngàn cây, các chuyên gia chỉ chọn được 10 cây trội đạt các tiêu chuẩn. Các cây này sau khi được Sở, ngành thẩm định, công nhận và cấp chứng chỉ đã được lập hồ sơ quản lý để phục vụ việc nhân giống lâu dài.

anh-9.jpg
Vườn ươm giống cây quế quỳ ở Na Chạng, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong.

Tại Vườn ươm giống cây Na Chạng có hàng chục cây giống mẹ quế quỳ đạt tiêu chuẩn được lựa chọn để nhân giống. Trạm trưởng Ngô Xuân Hải cho biết, hiện vườn ươm Na Chạng đang có hàng chục vạn cây quế giống. Cây giống khi đến 1 năm tuổi là sẽ bắt đầu đủ điều kiện cung ứng cho người dân trồng. Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ giống và kỹ thuật của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì người dân ở nhiều xã như Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Hạnh Dịch…đã trồng được hơn 300 ha cây quế. Diện tích nói trên sẽ không ngừng tăng lên nhanh chóng trong tương lai gần hứa hẹn một tương lai sán lạn về xóa đói giảm nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu cho người dân nơi đây.

Ông Lê Xuân Đình – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu, cho hay: Quỳ Châu có diện tích rừng trồng hơn 24.000 ha. Điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi trong công tác phát triển rừng trồng. Các chính sách của Nhà nước, như Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 2018 - 2021, kéo dài đến 2023; sự hỗ trợ đầu tư của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

anh-7.jpg
anh-8.jpg
Thăm rừng cây pơ mu, sa mu ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Quỳ Châu cũng đã triển khai mô hình cây bản địa gắn với du lịch sinh thái xã Châu Hội được hơn 22,5 ha, cây đặc trưng của địa phương như: Lim xanh, Giáng Hương, Giổi, Kim Giao, Chò Chỉ…Chuyển đổi kinh doanh rừng trồng gỗ nguyên liệu sang rừng trồng gỗ lớn và cây bản địa giai đoạn 2021-2025 là 1.092,76 ha.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 14 cơ sở, tổ chức sản xuất và kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó có 01 Mô hình vườn ươm giống cây Lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Châu Bình (Vườn ươm Công ty Đại Lâm, địa chỉ: Bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình). Mô hình khoanh nuôi, sản xuất Chè Hoa Vàng tại xã Châu Hạnh; Mô hình cây Quế Quỳ 29,5ha tại các xã: Châu Hoàn, Châu Hạnh, Châu Hội, Diên Lãm. Thu nhập bình quân từ khai thác rừng trồng mang lại trong giai đoạn 2020-2023 trên 33 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Khắc Hải – Phó trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, hiện nay tổng diện tích đất có rừng của tỉnh là 961.774,37 ha (rừng tự nhiên 790.352,86 ha; rừng trồng 171.421,51 ha) và diện tích rừng trồng chưa thành rừng 57.013,87 ha); độ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33%. Trữ lượng gỗ hiện có khoảng 91,0 triệu m3; trên 1,94 tỷ cây tre, mét.

anh-6.jpg
Những cánh rừng trồng xanh bạt ngàn là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở các huyện vùng cao Nghệ An những năm gần đây.

Riêng năm 2023, tỉnh Nghệ An trồng rừng tập trung được 22.682 ha; Bảo vệ rừng được 962.230,49 ha; Khoanh nuôi rừng là 76.000 ha; Chăm sóc 54.000 ha rừng; Khai thác gỗ rừng trồng đạt 1.705.803 m3; Sản xuất được trên 38 triệu cây giống; Kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD và nâng độ che phủ rừng lên 58,33%.

“Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế rừng, thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội tích cực tham gia trồng rừng trên những diện tích đất trống, đất rừng nghèo kiệt; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng hiện có; tiếp tục rà soát diện tích có khả năng trồng rừng, kiểm kê, rà soát diện tích đã thực hiện trồng rừng theo các dự án, quy hoạch trồng rừng sản xuất với những cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương” - Ông Nguyễn Khắc Hải – Phó trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, chốt lại.

Đình Tiệp