Môi trường

Giờ Trái đất 2024: Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính

Trung Nguyên 24/03/2024 - 10:56

(TN&MT) - Tối ngày 23/3, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 (từ 20h30 đến 21h30), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh - tương đương số tiền gần 859 triệu đồng.

Năm nay, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương kêu gọi hưởng ứng với chủ đề “Giảm dấu chân carbon - hướng tới Net Zero”.

anh-1.jpg
Sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

Tại Hà Nội, sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 từ 20h30 - 21h30 ngày 23/3/2024 tại phố đi bộ Hồ Gươm trước trụ sở của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội. Nhiều địa điểm nổi tiếng, một số khu vực công cộng, tuyến phố của thành phố Hà Nội đã đồng loạt hoạt động tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo trong 1 giờ, như: Đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - Cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ; xung quanh các khu vực Hồ Gươm, Nhà Hát lớn Hà Nội, Hồ Trúc Bạch; trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; trụ sở các Sở, ban, ngành Thành phố. Các quận, huyện, thị xã mỗi nơi chọn một số điểm công cộng trên địa bàn để tắt đèn chiếu sáng.

anh-3.jpg
Sân bay Nội Bài tắt các thiết bị điện hưởng ứng Giờ Trái đất 2024

Tại TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cũng đã phối hợp tổ chức Đêm sự kiện tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố với thông điệp "Tiết kiệm điện - Thành thói quen". Qua đó, kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường và không chỉ diễn ra trong 1 giờ đồng hồ, mà mọi tổ chức, cá nhân cần ghi nhớ và thực hiện thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả năm để tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng thực sự trở thành thói quen.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền các nội dung về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị. Đồng thời, vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng thực hiện tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian hưởng ứng Giờ Trái đất.

Qua theo dõi số liệu, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết: Sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3/2024), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền gần 859 triệu đồng).

anh-4.jpg
Nhiều tòa nhà và trung tâm thương mại trên phố Trần Duy Hưng tắt bớt thiết bị chiếu sáng, hưởng ứng Giờ Trái đất. (Nguồn: TTXVN)

Sau 16 năm tích cực hưởng ứng tham gia, chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam ngày càng được lan tỏa rộng rãi trên cả nước và trở thành hoạt động thường niên rất có ý nghĩa vào tháng 3 hàng năm. Từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đến nay chiến dịch Giờ Trái đất đã góp phần quan trọng biến nhận thức của mỗi cá nhân thành hành động cụ thể trong việc thực hành tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Giờ Trái đất là một trong những sự kiện thường niên toàn cầu về bảo vệ môi trường, với sự hưởng ứng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Chiến dịch Giờ Trái đất đã tạo sự chuyển biến rất lớn về nhận thức cũng như trong hành động của người dân trên thế giới trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Bắt đầu tại thành phố Sydney - Australia vào năm 2007, với hơn 2 triệu người tham gia, đến nay, đã có gần 200 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng hàng tỉ người trên toàn thế giới hưởng ứng. Năm 2024 cũng là lần thứ 16 Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng chương trình.

Chủ đề “Giảm dấu chân carbon - hướng tới Net Zero” nhấn mạnh mạnh hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” - Net Zero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong đó áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, mở rộng các hành lang đa dạng sinh học, các khu bảo tồn; giảm thiểu phát thải; chuyển đổi năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên.

Trung Nguyên