Biến đổi khí hậu

Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu

Hoài Thu 23/03/2024 - 18:33

(TN&MT) - Ngày 22/3, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ TN&MT đã công bố các báo cáo quan trọng của Nhóm công tác chính sách Youth4Climate (YPWG). Sự kiện với mục đích phát huy tiềm năng của thanh niên trong việc đóng góp vào sự nỗ lực giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH) và đề xuất các giải pháp.

Tham dự sự kiện có, ông Jonathan Wallace Baker – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; Đại sứ quán Italia; đại diện Bộ TN&MT, UNDP Việt Nam, các chuyên gia cùng nhóm Công tác Thanh niên về Chính sách Khí hậu YPWG và các bạn trẻ, thanh niên trên nhiều miền Tổ quốc.

anh-chup-man-hinh-2024-03-22-luc-17.58.34.png
Bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh BĐKH diễn ra khó lường và phức tạp, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về khí hậu. Do đó, sự kiện này nhằm đưa ra những giải pháp để ứng phó với BĐKH cùng với vai trò của thanh niên, trong việc xây dựng một tương lai phát thải ít carbon, mang ý nghĩa rất lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, Việt Nam cần huy động sự tham gia cũng như đặt ra những nền tảng đối thoại trong vấn đề về chuyển dịch năng lượng với các bên liên quan và đảm bảo sự công bằng, cũng như sự tham gia hiệu quả của thanh niên.

“Đó là lý do vì sao, chúng tôi thấy vai trò của thanh niên trong công tác về BĐKH, chuyển dịch năng lượng và triển khai, thi hành các chính sách trong giai đoạn này là rất quan trọng. Vì vậy, vai trò của thanh niên cần được củng cố hơn nữa trong việc đưa ra các giải pháp, phương án để giải quyết vấn đề BĐKH. Cộng đồng và xã hội càng cần phải thúc đẩy mạnh mẽ thanh niên tham gia vào công cuộc này hiệu quả, thông qua những hình thức học tập, rèn luyện kỹ năng,.. để phát huy tính sáng tạo trong bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.” – bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

anh-chup-man-hinh-2024-03-22-luc-18.00.01.png
Ông Đào Mạnh Trí – Trưởng nhóm Nghiên cứu về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (YPWG) trình bày tham luận

Ông Đào Mạnh Trí – Trưởng nhóm Nghiên cứu về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (YPWG) đã trình bày những phát hiện chính và khuyến nghị chính sách về “Tăng cường chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam trong góc nhìn của giới trẻ”, ông chỉ ra vai trò quan trọng của thanh niên với tư cách là những người ủng hộ, nhà giáo dục, nhà đổi mới và nhà lãnh đạo trong các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững.

Qua kết quả nghiên cứu, ông cho biết, thanh niên nói chung, quan tâm và sẵn sàng đóng góp cho quá trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời cũng bày tỏ sự quan tâm và đưa ra các sáng kiến vào hoạt động thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến giáo dục cộng đồng và BĐKH.

Phần lớn các sáng kiến, hành động bảo vệ môi trường của thanh niên đến từ nhận thức và kiến thức bản thân, tuy nhiên, trong số đó, thanh niên vẫn còn thiếu kinh nghiệm cũng như sự tương tác với các bên liên quan,… vì vậy, khi thanh niên muốn tham gia các hoạt động, dự án về bảo vệ môi trường hay chuyển dịch năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời,… đều chưa đạt hiệu quả cao.

Từ những phát hiện trong báo cáo, ông Đào Mạnh Trí đề xuất một số khuyến nghị chính sách thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Trong đó, cần xây dựng cầu nối, đẩy mạnh sự hợp tác đa bên, thắt chặt mối quan hệ giữa Chính phủ với tư nhân với các trường Đại học. Sự kết hợp đa ngành tạo ra một nền tảng vững chắc cho bất cứ chương trình thực tập, sáng kiến nghiên cứu hay khởi nghiệp ở thanh niên.

anh-chup-man-hinh-2024-03-22-luc-17.59.23.png
Sự kiện Công bố báo cáo của Nhóm Công tác Thanh niên về Chính sách Khí hậu

Bên cạnh đó, tầm quan trọng của việc phổ biến kiến thức cũng cần được chú trọng, bởi đây là một quá trình có sự tương tác 2 chiều giữa thanh niên và các bên liên quan khác. Việc tận dụng mạng xã hội để phổ biến thông tin về JETP (công cụ quan trọng để khơi thông những nỗ lực giảm phát thải) sẽ giúp cho hầu hết thanh niên khơi nguồn được các cuộc thảo luận, trao đổi, truyền tải thông tin và giáo dục cộng đồng.

Hơn nữa, YPWG cũng khuyến khích cộng đồng, các bên liên quan, tư nhân và giới trẻ nghiên cứu, chia sẻ các mô hình, dự án năng lượng tái tạo do người trẻ dẫn dắt mà đã thành công trong quá khứ, nhằm truyền cảm hứng và hướng dẫn phát triển cho những sáng kiến mới.

anh-chup-man-hinh-2024-03-22-luc-18.00.41.png
Bà Lương Nguyễn Ngọc Mai – đại diện Nhóm Nghiên cứu Giáo dục BĐKH (YPWG) trình bày nghiên cứu

Trình bày “Nhận thức của học sinh và giáo viên THPT về Giáo dục BĐKH ở Việt Nam”, bà Lương Nguyễn Ngọc Mai – đại diện Nhóm Nghiên cứu Giáo dục BĐKH (YPWG) nhấn mạnh về nhu cầu lớn của thanh niên về học tập, trải nghiệm và tiềm năng của thanh niên nông thôn trong việc thực hiện hành động tại địa phương để giải quyết các vấn đề môi trường.

Dù hệ thống giáo dục Việt Nam đã tích hợp nội dung BĐKH gần đây vào chương trình giảng dạy, số hóa trong việc tăng cường học tập về BĐKH, ủng hộ việc mở rộng và chính thức hóa các tài nguyên trực tuyến vào hệ thống giảng dạy,... tuy nhiên vẫn cần cải thiện một số mặt hạn chế đối với các kiến thức của học sinh, sinh viên về BĐKH.

Từ đó, bà Lương Nguyễn Ngọc Mai đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường nhận thức cho học sinh, sinh viên về giáo dục BĐKH, bao gồm: Chính phủ và các Bộ, ban, ngành cần tăng cường hoạt động giáo dục và truyền thông về chuyển đổi xanh, chuyển dịch xanh hướng tới phát triển bền vững như đưa các thông tin, xu hướng lên đài truyền hình Quốc gia và thực hiện các bài truyền thông, phóng sự về chuyển đổi xanh, chuyển dịch xanh.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường hợp tác phát triển chuyên môn, kỹ thuật và tài chính trong việc nhân rộng các chương trình dạy và học, các chương trình ngoại khoá lồng ghép vào các môn học của học sinh, sinh viên; phối, kết hợp cùng Bộ TN&MT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phát triển các công cụ học tập, chuyển đổi số về môi trường và BĐKH, có thể được thiết kế dưới hình thức sáng tạo như trò chơi về môi trường trên thiết bị thông minh, như mong muốn của đa số học sinh, sinh viên.

Theo đó, BĐKH cần phải được nghiên cứu để đưa vào làm môn học bắt buộc trong các chương trình giáo dục địa phương, hoạt động sinh viên hướng nghiệp nhằm giúp các em có thể hiểu được việc thích ứng và đưa các giá trị của địa phương vào trong nội dung học tập. Có thể kể đến như: Giải pháp cho BĐKH dựa vào tự nhiên, hay các giải pháp thích ứng BĐKH cho dân tộc thiểu số,…

Đồng thời, chương trình giáo dục về BĐKH cũng cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào tập huấn, rèn luyện kỹ năng cho các giáo viên, giảng viên và sử dụng giáo dục đa phương pháp.

anh-chup-man-hinh-2024-03-22-luc-18.01.06.png
2 nhóm YPWG và các chuyên gia lĩnh vực BĐKH trao đổi giải đáp thắc mắc

Cuối sự kiện, các thắc mắc liên quan đến việc thanh niên cần hành động thế nào để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và sáng kiến nâng cao giáo dục về BĐKH tại Việt Nam đều được 2 nhóm YPWG và các chuyên gia lĩnh vực BĐKH trả lời và trao đổi đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ.

Hoài Thu