Xã hội

Những giải pháp giảm nghèo ở Mường Ảng

Trần Hương 23/03/2024 - 10:50

(TN&MT) - Giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Mường Ảng được xác định trong Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến nay việc thực hiện nghị quyết đã đi được hơn nửa chặng đường, kết quả của công tác giảm nghèo ra sao? PV Báo TN&MT có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên xoay quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông! Xin ông cho biết, để thực hiện được việc giảm nghèo cho đồng bào DTTS trên địa bàn, huyện Mường Ảng đã xác định nhiệm vụ ấy dựa trên những nguồn lực nào? Yếu tố nào là căn bản?

Ông Nguyễn Tiến Đạt: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã xác định: Công tác phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được triển khai liên tục và xuyên suốt thể hiện trong Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 23 và 7 chương trình hành động chuyên đề. Trên cơ sở đó đã phân công, phân cấp, chỉ rõ nhiệm vụ từng người, từng việc, nhằm nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Chúng tôi xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững dựa trên tiềm năng, nội lực của huyện; phát triển chủ yếu về sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Nhiệm vụ được xác định dựa vào các nguồn lực về con người, đất đai, tư liệu sản xuất và các chính sách đi kèm để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

a1(2).jpg
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

Đặc biệt, chú trọng vào Chương trình hành động số 16-CTr/HU, ngày 09/02/2021 của BCH Đảng bộ huyện về thực hiện nghị quyết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng NTM giai đoạn 2020 - 2025; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Trước những mục tiêu đó, đến nay huyện Mường Ảng đã giữ vững và phát triển trên 2.200ha cây cà phê, 600ha cây ăn quả, 371ha cây mắc ca, 20ha cây chè…

Một trong những nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Mường Ảng là tập trung duy trì, chăm sóc tốt các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế và chuyển dịch cây trồng kém hiệu quả sang loại cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, từ diện tích trồng ngô, sắn, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả tập trung ở một số xã Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa và khu vực thị trấn.

Còn đối với mục tiêu phát triển diện tích cây cà phê tại các xã, huyện đã tập trung rà soát, gắn với quy hoạch để tái canh, trồng mới tại những nơi phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng nhằm nâng cao chất lượng cây trồng, sản phẩm, kiên quyết không phát triển ở vùng đất không phù hợp….

PV: Với chủ trương duy trì và chăm sóc tốt diện tích cây cà phê hiện có hơn 2.200ha, vậy giống cây này hỗ trợ như thế nào để người dân thoát nghèo? Hiện diện tích cây được huyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng là cây ăn quả, hiện giờ hiệu quả ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Đạt: Để thuyết phục người dân giữ vườn cà phê, không chặt phá tại thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020, Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ huyện đã phải họp bàn rất nhiều, vì đây là vấn đề liên quan đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện, sinh kế của người dân nên chúng tôi đã rất cân nhắc và thận trọng. Cấp uỷ, chính quyền… một mặt vừa kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy sơ chế cà phê tại địa bàn, mặt khác yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết thu mua cà phê tươi với giá thấp nhất 10.000đ/kg trong 3 năm liền cho người dân.

Đến nay, Công ty TNHH XNK Cà Phê Việt Bắc đang có nhà máy chế biến cà phê tươi hoạt động với công suất 250 tấn/ngày đêm và huyện đang chỉ đạo rà soát, mở rộng diện tích trồng mới cà phê, diện tích đạt 3.000ha để phục vụ cho công suất của nhà máy. Bên cạnh đó, huyện quan tâm công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê như: Tham gia lễ hội Cà phê, giới thiệu tại kỳ họp Quốc hội…, chủ động làm việc, liên kết với các đơn vị xuất khẩu nông sản để tìm đầu ra cho sản phẩm cà phê.

a2(1).jpg
Người dân huyện Mường Ảng thu hoạch cà phê

Và cũng trong suốt 3 năm qua, giá cà phê tươi tại huyện Mường Ảng được đơn vị này thu mua bình quân từ 12.000đ - 15.000đ/kg quả tươi. Trong khi tổng sản lượng cà phê của huyện Mường Ảng trong năm 2023 đạt hơn 40.000 tấn quả tươi, doanh thu đạt khoảng trên 500 tỷ đồng.

Đây là một trong những quyết định đúng đắn của tập thể Ban Thường vụ và BCH Đảng bộ huyện khi giữ lại diện tích cây cà phê. Sau 3 năm theo dõi sự biến động của cây cà phê thì có thể nói đã giúp đồng bào các dân tộc Mường Ảng trong thời gian qua có công ăn việc làm ổn định, mang lại thu nhập không chỉ cho người trồng cà phê mà còn tạo việc làm cho người dân làm thuê chăm sóc cây cà phê, hái quả cà phê tại địa bàn; mỗi ngày công hái, chăm sóc cà phê dao động từ 250.000đ - 300.000đ/ngày công.

Đối với 600 ha cây ăn quả, sản lượng trên 800 tấn. Tuy diện tích, sản lượng còn chưa nhiều nhưng đã phần nào cải thiện được sự phong phú về chủng loại sản phẩm của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân..

PV: Từ những kết quả đó, đến nay kết quả của công tác giảm nghèo của huyện được đánh giá như thế nào? Định hướng mục tiêu phát triển trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Tiến Đạt: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn 22,13%, trung bình mỗi năm giảm 5-6%. Thu nhập bình quân đầu người trên 32 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 584,5 tỷ đồng, tăng 133,8 tỷ đồng so với năm 2020; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 509,8 tỷ đồng, tăng 132,5 tỷ đồng; khu vực dịch vụ đạt 1.134 tỷ đồng, tăng 361,4 tỷ đồng so với năm 2020.

a3(1).jpg
Huyện Mường Ảng hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có múi.

Về mục tiêu phát triển trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nghành nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới và chủ động xây dựng các giải pháp phòng, chống hạn, biến đổi khí hậu cùng diễn biến bệnh tật trên cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục duy trì, chăm sóc và nâng cao chất lượng cây cà phê; mở rộng liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị tạo vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Điện Biên; quan tâm định hướng, hỗ trợ chế biến sâu, sản xuất xanh - sạch, an toàn.

Đồng thời, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ. Từng bước chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chuồng trại có kỹ thuật và nuôi nhốt. Tăng cường công tác chăm sóc bảo vệ rừng để giữ nước, tạo nguồn sinh thủy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tận dụng tối đa mặt nước để nuôi thủy sản; nhân rộng mô hình nuôi cá lồng, bè ở hồ Ẳng Cang.

Song, để công tác giảm nghèo trở nên thiết thực, hiệu quả và đảm bảo bền vững thì yếu tố then chốt nhất vẫn là con người cùng các nguồn lực khác, phải có sự bắt tay vào cuộc mạnh mẽ từ cán bộ cho đến doanh nghiệp và người dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hương