Ngành TN&MT

Ngành Khí tượng Thủy văn: Đồng hành cùng sự phát triển vùng ĐBSCL

Nguyễn Quỳnh 22/03/2024 - 11:59

(TN&MT) - Trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều đóng góp quan trọng của ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV). Đặc biệt, mùa khô 2024, nhờ được cảnh báo sớm việc có thể xảy ra xâm nhập mặn nghiêm trọng, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Đáp ứng kịp thời thông tin

Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài KTTV Khu vực Nam Bộ cho biết: Đài KTTV Khu vực Nam Bộ luôn bám sát các yêu cầu phục vụ của địa phương, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV. Đồng thời, tham mưu cho các địa phương để có kế hoạch, phương án chỉ đạo sản xuất, phòng chống thiên tai có hiệu quả, được các địa phương vùng ĐBSCL đánh giá cao. Với phương châm “không bị động trước thiên tai”, Đài đã nghiên cứu các sản phẩm dự báo hạn dài trên thế giới, dự báo kịp thời, chính xác để các địa phương chủ động trong điều hành kinh tế - xã hội. Hàng ngày, Đài phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm như: Dông, sét, tố, lốc, mưa đá, mưa lớn, gió mạnh trên biển, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới,...

dai-kttv-nam-bo.jpg
Đài KTTV Khu vực Nam Bộ thực hiện nhiều bản tin dự báo, cảnh báo, đáp ứng kịp thời thông tin KTTV cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Song song đó, Đài cũng đã phát hành các thông tin dự báo, cảnh báo dài hạn trước 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng và dự báo năm. Nội dung nhấn mạnh các yếu tố mưa, nhiệt độ không khí, mực nước, nhận định về thủy văn, nguồn nước, lũ. Đặc biệt theo dõi, đưa ra dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới, cảnh báo cấp độ rủi ro, dự báo tác động cho từng loại hình thiên tai.

Cũng theo ông Lê Ngọc Quyền, ngoài việc cập nhật trên trang web của Đài, các bản tin dự báo, cảnh báo còn kịp thời tới Ban Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, các cơ quan báo chí, khi có các dấu hiệu thời tiết bất thường, Đài KTTV Khu vực Nam Bộ còn thường xuyên trao đổi trực tiếp với các địa phương để có phương án đối phó kịp thời. Đặc biệt, Đài đang thực hiện bản tin dự báo thời tiết nông vụ phục vụ cho 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, xuống giống, chăm bón, thu hoạch mùa vụ. Theo đánh giá của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), bản tin thời tiết nông vụ do Đài cung cấp đã mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, giúp giảm sâu bệnh, tăng năng suất, chi phí tưới tiêu thấp.

Hàng năm, Đài còn thực hiện hàng chục các hợp đồng về cung cấp dịch vụ dự báo, cảnh báo KTTV cho các doanh nghiệp các lĩnh vực: điều hành khai thác dầu khí, điện lực, thoát nước đô thị, vận tải đường sông... giúp các đơn vị này chủ động lên kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như chủ động phòng tránh, giảm thiểu rủi ro...

Cảnh báo sớm xâm nhập mặn

Theo Giám đốc Đài KTTV Khu vực Nam Bộ Lê Ngọc Quyền, trước kết quả quan trắc đo đạc mưa lũ 2023 và số liệu quan trắc khu vực sông Mê Kông, Đài đã nhận định mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ diễn biến phức tạp, nhiều khả năng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, thiếu hụt lượng mưa, nguồn nước nên Đài đã chủ động tổ chức “Hội nghị nhận định tình hình mưa, lũ nửa cuối năm 2023 - El Nino, nguồn nước, hạn mặn mùa khô 2023 - 2024 ở khu vực Nam Bộ” để cảnh báo sớm về tình trạng xâm nhập mặn cho các địa phương. Đài đã mời lãnh đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ và các cơ quan báo chí tới dự.

dbscl.jpg
Nhờ thông tin cảnh báo sớm của Đài KTTV Khu vực Nam Bộ, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chủ động ứng phó với đợt hạn mặn nghiêm trọng trong mùa khô 2024

Tại Hội nghị này, Đài KTTV Nam bộ đã nhận định: "Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2023 - 2024 từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu và ĐBSCL có khả năng thiếu hụt từ 20 - 25% so với trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm, trong một số thời điểm trên một số nhánh sông xâm nhập mặn có khả năng tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016. Do đó, các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn”.

Ngay sau Hội nghị, nhiều cơ quan báo chí như: Báo Nhân dân, Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên... đã đồng loạt đăng tải thông tin dự báo khả năng xâm nhập mặn sẽ “khốc liệt” vào mùa khô năm 2023 - 2024. Nhờ vậy, chính quyền các cấp, người dân, doanh nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL đều nắm được thông tin xâm nhập mặn từ sớm để có các biện pháp ứng phó.

Cũng theo ông Lê Ngọc Quyền, từ tháng 10/2023, cách 10 ngày, Đài đều đặn phát hành bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn và bổ sung khi diễn biến mặn phức tạp. Bản tin được chi tiết theo từng nhánh sông, từng khu vực tỉnh, mô tả cảnh báo chiều sâu ranh mặn vào nội đồng. Bản tin đưa lên

website của Đài KTTV khu vực Nam Bộ, Ban Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt và gửi bản tin đến Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí. Đặc biệt, Đài đã sử dụng các ứng dụng Zalo, Facebook để đến với chính quyền và người dân nhanh nhất có thể.

Theo ghi nhận, mặc dù tình trạng xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 được đánh giá là nghiêm trọng, nhiều khu vực đo được độ mặn cao hơn đợt hạn mặn kỷ lục năm 2016. Song, nhờ được cảnh báo từ sớm, các tỉnh, thành ĐBSCL đã chủ động tích trữ nước ngọt, điều chỉnh thời vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên hạn chế tối đa thiệt hại, không nghiêm trọng như mùa khô năm 2016.

Nguyễn Quỳnh