Môi trường

TP. Huế: Phát triển hạ tầng Cây xanh – Mặt nước

Văn Dinh - Thảo Vy 22/03/2024 - 11:52

(TN&MT) - Ngày 22/3, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng các đối tác địa phương tổ chức Hội thảo “Phát triển hạ tầng Cây xanh – Mặt nước”.

Hội thảo nằm trong dự án “Các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tăng cường tính chống chịu khí hậu cho các khu vực đô thị tại miền Trung Việt Nam, lấy Thừa Thiên Huế làm thí điểm” (dự án Greencitylab Huế) do Viện Độc lập về các vấn đề môi trường (UfU, CHLB Đức) tài trợ.

Các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận nhóm về các chủ đề: Sự phân bố và khả năng tiếp cận không gian xanh công cộng tại khu vực đô thị; thiết kế không gian xanh liên quan đến chức năng dịch vụ hệ sinh thái; không gian xanh đa chức năng; những thách thức trong việc quy hoạch và thực hiện không gian xanh... Trong đó có nêu lên các thách thức điển hình trong phát triển hạ tầng cây xanh – mặt nước ở Huế: Không có nhiều đất trống để thực hiện hạ tầng cây xanh mặt nước và giải pháp dựa vào thiên nhiên ở thành phố; mất thời gian để thu thập tất cả dữ liệu và thông tin như chất lượng đất, quy định về chiều cao; tìm các đơn vị xây dựng phù hợp có tư duy về giải pháp dựa vào thiên nhiên và hạ tầng cây xanh mặt nước; đất công cần phải tuân thủ các quy trình đầu tư công nên mất rất nhiều thời gian mới xin được giấy phép thi công...

z5273040613737_4f3932c4378db447c2ecb50debeb9b91.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, Viện Độc lập về các vấn đề môi trường (UfU, CHLB Đức) đã trình bày tham luận “Nhu cầu và thách thức về không gian xanh công cộng tại Huế”, nêu các yếu tố cần được lồng ghép vào quy hoạch không gian xanh tại Huế như: cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng của không gian xanh; cải thiện khả năng chống chịu và tính bền vững của môi trường; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và bố trí các địa điểm giải trí; tìm giải pháp cho các vấn đề thách thức về đô thị hóa; phân bổ nguồn tài chính cho việc xây dựng không gian xanh.

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Huế là một trong những thành phố xanh nhất ở Việt Nam với danh hiệu “thành phố xanh Quốc gia” và “thành phố du lịch sạch ASEAN”. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Huế cần thực hiện những dự án sâu hơn nhằm tăng khả năng chống chịu trước các đợt không khí nóng và lũ lụt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Hội thảo nhằm tiếp tục tạo diễn đàn trao đổi về các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) và cơ sở hạ tầng cây xanh – mặt nước (GBI) trong khu vực đô thị TP. Huế”, ông Cường nói.

Văn Dinh - Thảo Vy