Xâm nhập mặn tiến sâu trở lại
(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị đón một đợt xâm nhập mặn, cao điểm từ ngày 24 – 28/3.
Ranh mặn 4g/l dự kiến vào sâu 70 – 90 km trên cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50-57km, sông Hàm Luông từ 50-60km, sông Cổ Chiên từ 40-50km, sông Hậu từ 40-47km, sông Cái Lớn khoảng 40-45km. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.
Tính từ đầu mùa khô đến nay, đợt xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào đợt từ ngày 8 - 13/3. Mức độ xâm nhập mặn các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang… hiện phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), xấp xỉ so với năm 2016. Đặc biệt tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016.
Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 4 đợt xâm nhập mặn tăng cao (thời kỳ 23-28/3, 08-14/4, 23-28/4, 6-12/5), trong đó đợt xâm nhập cao nhất vào thời kỳ 08-14/4.
Một số địa phương đã xuống giống vụ Hè Thu với tổng diện tích khoảng 196 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Một ít diện tích ở Kiên Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long.
Do tháng 3 và đầu tháng 4 là cao điểm hặn mặn năm nay, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương cân nhắc việc giãn sản xuất một số diện tích vụ Hè Thu trong năm nay để góp phần giảm nhu cầu nước và hạn chế xâm nhập mặn tại vùng cửa sông ven biển. Thêm vào đó, các địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó với hạn, mặn phù hợp với điều kiện của vùng.
Cụ thể, vùng thượng ĐBSCL khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn của tỉnh An Giang, cần thực hiện tưới nước tiết kiệm.
Vùng giữa ĐBSCL cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích trữ nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Tích trữ nước ngay khi có thể bằng bơm trữ, gạn triều lấy ngọt chủ động vào cao điểm xâm nhập mặn.
Vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến nguồn nước và sản lượng thủy sản ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú – Tiếp Nhật. Cần tranh thủ lấy nước ngay khi có thể, đặc biệt, cân nhắc việc lấy nước nhiễm mặn với hàm lượng cho phép trong 2 tuần ới cho các khu vực trồng lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng cao, thiếu nguồn ngọt bổ sung, để chủ động thích ứng với hạn, mặn trở lại vào đầu tháng 4.
Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay tới cuối tháng 3, sang tháng 4 vẫn ít xuất hiện mưa, nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt chung cao.
Sang tháng 4, 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ gây bốc hơi mạnh. Mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên mức độ sẽ không cao bằng đợt mặn từ 8-13/3/2024, trừ Bến Tre đợt mặn từ 23-30/3/2024 sẽ ở mức tương đương đợt 8-13/3.
Tổng lượng mưa tháng 4,5 thấp hơn so với TBNN, nguồn nước từ sông Mê Công chảy về đồng bằng vẫn thiếu hụt so với TBNN, ngày bắt đầu mùa mưa dự kiến khoảng từ tuần giữa tháng 5.
Để kịp thời thông tin đến các địa phương ở khu vực Nam Bộ về tình hình khí tượng thủy văn trong năm 2024, dự kiến vào 12/4, Đài sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị nhận định mùa. Thông qua đó giúp các địa phương có các thông tin về tình hình khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội.