Dưới bóng đổ nghìn năm của đại thụ - Kỳ 3: Mất rừng, mất cán bộ...
Lại tiếp chuyện cây pơ mu. Ở Thanh Hóa, sâu trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân, có một rừng cây pơ mu di sản.
Lại tiếp chuyện cây pơ mu. Ở Thanh Hóa, sâu trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân, có một rừng cây pơ mu di sản. Cây to như cột chống trời (tôi phải ví von vậy vì ở đời, chắc không có cái cột công trình nhân tạo nào to như vậy được), cao vòi vọi, xanh biếc. Và chao ôi, đường kính gốc của Cây di sản là… 3,9m! Cây cách trạm kiểm lâm 5 giờ đi bộ, kỳ quan thiên nhiên còn sót lại ở Việt Nam này, rất tự nhiên, đã trở thành điểm leo núi thú vị cho giới trẻ Việt Nam lâu nay. Nếu chứng kiến nam thanh nữ tú, người yêu môi trường đi bộ đến vắt cạn mồ hôi mình cho một hành trình chiêm bái rừng pơ mu “lão mộc tinh” như thế, người ta mới hiểu hết con người đi ra từ rừng và luôn có một ám ảnh tự tiền kiếp về chiếc tay nôi bảo vệ sự sống ấy ra sao.
Các cụ bảo, con người ta sống bất quá khoảng 100 năm mà đã khôn ngoan, hiểu biết như thế, thì thử hỏi: 2.000 năm tuổi, rồi 5.000 năm tuổi rồi 80.000 năm tuổi, các bậc đại thụ đã, đang và sẽ “sống thành tinh” với lịch sử Trái đất ra sao.
“Thần cây đa, ma gây gạo, cú cáo cây đề”, người Việt Nam có niềm tin tâm linh vào các cây cổ thụ như vậy. Và giờ đây, đã thành thông lệ, trước thảm họa tàn phá thiên nhiên “phục vụ cuộc sống”, hầu hết các cánh rừng, các cổ thụ còn lại đến nay, đều hoặc là ở chỗ rừng sâu núi thẳm vắng dấu chân người, hoặc là các cây ở chỗ xóm mạc đông người nhưng có một ban thờ thần linh ở dưới gốc. Giữ rừng bằng niềm tin tâm linh! Nhiều dân tộc ở Việt Nam như Lô Lô, Pu Péo, người Tày, người Mông… đều có niềm tin vào sự linh thiêng của rừng. Lễ cúng rừng của người Pu Péo ở xã Phố Là (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) thật ý nghĩa. Hằng năm, nhằm ngày cúng rừng, cả bản kính cẩn dâng dê, dâng gà lợn ra gốc cây lớn nhất rừng, lạy thần cây thần rừng, bốn phương tám hướng rồi hóa kiếp chúng để tạ ơn thần rừng. Lời cúng của họ đọc rõ: rừng che chở cuộc sống cho bản làng khỏi bão lũ, hạn hán, khỏi sự giày xéo của các hiện tượng mà ngày nay chúng ta gọi là “thời tiết cực đoan”. Họ giữ được các cánh “rừng cấm” tuyệt đẹp, tầng tầng lớp lớp lá mục và dây rừng ôm lấy các tàng cây đại thụ. Bởi đến đi vào rừng lấy củi, lấy măng cũng bị cấm. Ai vi phạm phải “xin lỗi” thần rừng bằng một con lợn béo 30kg. Ngành kiểm lâm từng tâm đắc với câu chuyện giữ rừng hữu hiệu bằng tâm linh như thế. Và muốn nhân rộng chúng ra khắp cả nước.
Giờ đây, hầu khắp các khu rừng có cây cổ thụ, có sự u tối dây leo và thảm thực vật nguyên sinh của người Lô Lô, người Tày, người Thái, người Mông, và nhiều dân tộc vùng Tây Nguyên… đều có thể đang chứa các ngôi mộ bên trong. Đơn giản, nếu không có mồ mả linh thiêng đáng kiêng dè, thì lâm tặc phá lâu rồi. Họ gọi nôm na là khu “Rừng mả” cấm xâm phạm bằng mọi giá.
Người Lô Lô ở tận cùng phía Bắc Việt Nam (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) có tục lệ hóa trang các vũ công trong các lễ “trò chuyện với tổ tiên” thành như người rừng, với đủ loại cây lá màu xanh (chủ yếu là các loài dây leo) tơ tướp. Trông xa, họ như những đám cỏ xanh tươi đang di động, họ nhảy múa từ sáng tới đêm không biết mệt. Cây lá phủ kín mọi vũ công nam nữ, già trẻ ấy, qua thời gian nhảy múa, tiệc tùng đã héo rũ. Họ gọi những người hóa trang là “ma cỏ”. Họ tin, tổ tiên mình đi ra từ rừng và nhiều nghìn năm trước các cụ vốn mặc áo quần bằng lá cây như người rừng; thế nên, để hòa nhập vào thế giới linh thiêng của tổ tiên được, thì họ phải ăn mặc giống như tổ tiên.
Tương tự như rừng cây bách xanh hiếm hoi ở Việt Nam, được “phát” hiện hơn chục năm trước như một sự ngỡ ngàng sửng sốt trong giới yêu thiên nhiên, ở vùng lõi của Di sản Thiên nhiên Thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Sự thật là: dù yêu rừng và ở rừng nhiều lắm, nhưng đến giờ tôi chưa có dịp tới với thế giới đại thụ bách xanh. Sợ lâm tặc triệt hạ kiếm “siêu tiền” từ loài gỗ quý ấy, cho nên, thậm chí địa điểm có sự phân bố của rừng bách xanh cổ tích kia, cũng ít người được phép biết. Càng hiếm có người được dẫn đường vào chiêm ngưỡng, quay phim, chụp ảnh - nếu không có “giấy giới thiệu” hợp lệ. Buồn hơn, rừng nghiến cổ thụ sừng sững ở xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang chỉ được giới truyền thông và công chúng biết đến khi vụ phá rừng nghiến cổ thụ lớn nhất lịch sử Việt Nam bị phanh phui. Lý do của việc phanh phui chính từ mâu thuẫn của những người “giữ rừng”, xâm hại rừng, rồi bị cách chức, bắt giam vì để mất rừng (hoặc bảo kê phá rừng), rồi quyết tố cáo nhau vì mâu thuẫn gì đó... Họ đã khiêng “sự thể” đó đưa ra cho tôi - một nhà báo điều tra.
Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) kể trên đã bị cách mọi chức vụ và chức vụ trong Đảng, vài kiểm lâm bị bắt giam vì vụ việc (dẫu mới chỉ “xử” bề nổi của “tảng băng chìm”). Giờ lật lại hồ sơ, mới biết, hóa ra, 6 năm trước khi vụ phá rừng kỷ lục bị phanh phui bởi nhóm nhà báo chúng tôi, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu thành lập Vườn Quốc gia Du Già nhằm bảo vệ đặc biệt cho các khu rừng mênh mông quý giá ấy. Khu này, nằm một phần trên Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam - Cao nguyên đá Đồng Văn. Nếu thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng, nếu rừng được chăm chút, được phát huy giá trị phục vụ nghiên cứu và du lịch, truyền năng lượng yêu thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống yên lành cho người dân, thì các cánh rừng đã không đến nỗi bị biến mất sau vụ “thảm sát” lớn nhất Việt Nam như hiện nay. Đồng thời, nhiều cán bộ đã không bị bắt giam, 15 cư dân miền thượng du không phải đi ở tù với mức án tổng cộng 64 năm; nếu xử nốt các cán bộ vi phạm, mức án sẽ lên tới khoảng 70 năm. Tương tự, khi báo chí vào cuộc phanh phui các đường dây vận chuyển gỗ qua xe bưu chính (vào năm 2023), 35 người ở huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) bị bắt giam, trong đó có cả Chánh Thanh tra, rồi Phó Chủ tịch UBND huyện. Nỗi đau mất rừng như nhân hai.
Các cánh rừng không chỉ là tài sản dạng gỗ tọa lạc như các cơ thể sống trong trên vỏ Trái đất. Nó còn là nơi nương náu, là không gian sống, làm nên các giá trị nhân văn to lớn trong hình thành nhân cách của mỗi người. Giữa thảm họa biến đổi khí hậu hủy hoại sự sống trên trái đất này, rừng là tay nôi bảo vệ bình an cho mọi cư dân thế giới, là lá phổi xanh của ngôi nhà chung vừa khổng lồ lại vừa mong manh dễ vỡ - chấm mờ xanh trong vũ trụ: Trái đất, gồm hơn 8 tỷ thành viên.
Giữ rừng là giữ chính cuộc sống, là bảo vệ chúng ta trước biết bao thảm họa. Nhưng trên hết và trước tất cả cái gọi là văn hóa ứng xử kể trên - không cần trình độ, chưa vội nói về một cảnh báo nào, như một ám ảnh tự tiền kiếp tổ tông mình, bóng đổ nghìn năm của các bậc đại thụ, chính là nơi chốn để mỗi chúng ta có cảm giác đầy đủ hơn về sự bình an, về việc được chở che và hưởng hạnh phúc. Nói khác đi, tiếng mưa rơi không cần phiên dịch, trước vẻ đẹp thật sự thì không cần ngôn ngữ, không cần quá nhiều trình độ hay sự định hướng nghệ thuật nào cả. Đơn giản, chung quy: màu xanh diệp lục, những cánh rừng nguyên sinh và các bậc đại thụ nghìn năm tuổi kia… - bản thân các khái niệm ấy chính là nói về những thứ dễ gợi cảm xúc về sự bình yên nhất.
Nếu Trái đất không còn cây xanh, hoặc chỉ có màu xanh tẻ nhạt (và ít ý nghĩa) của những cánh rừng trồng - mà khuyết đi những tàng cây, các cánh rừng cổ thụ đẹp và bí ẩn - thì sẽ ra sao?
Bút ký của: ĐỖ DOÃN HOÀNG
Trình bày: TÙNG QUÂN