Quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Bảo đảm tính khả thi
(TN&MT) - Quy định về tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Bộ TN&MT đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính hoàn thiện quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm tính khả thi, trên cơ sở giá thị trường, tháo gỡ các vướng mắc thực tế khi tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, quyết toán,... bảo đảm lợi ích của Nhà nước, tránh thất thoát tài nguyên.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại phiên họp về hoàn thiện Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản mới đây, Bộ TN&MT đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến kết luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ và ý kiến của các bộ, cơ quan tại cuộc họp.
Cụ thể, Bộ TN&MT đã rà soát toàn diện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên khoáng sản theo cơ chế thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường; giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh quy định về tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ TN&MT còn rà soát nhiều nội dung khác trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Bộ TN&MT rà soát các khái niệm về điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản... bảo đảm thống nhất về phạm vi điều chỉnh của Luật này
Về các quy định liên quan đến quản lý hoạt động chế biến khoáng sản, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng làm rõ nội hàm chế biến khoáng sản “phân loại, làm giàu” là một công đoạn của hoạt động khai thác khoáng sản như quy định hiện hành của Luật Khoáng sản năm 2010 và quy định nguyên tắc chung liên quan đến hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản.
Đối với phân nhóm khoáng sản, Bộ hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản. Đối với khoáng sản nhóm IV, bên cạnh quy định về phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, Bộ cần bổ sung các quy định bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, thổ nhưỡng, cảnh quan thiên nhiên,...
Về quản lý thống nhất Quy hoạch khoáng sản, Bộ TN&MT đã dự thảo nội dung lập, trình Quy hoạch khoáng sản theo hướng tập trung một đầu mối dựa trên cơ sở chính trị được nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị “thống nhất quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, trong đó có điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản”.
Tuy nhiên, Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch khoáng sản; đồng thời rà soát, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các quy hoạch đã ban hành.
Liên quan đến đấu giá, Bộ sẽ thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị; về cơ bản thực hiện đấu giá trên cơ sở các quy hoạch khoáng sản; thủ tục theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ quy định việc lựa chọn nhà đầu tư phục vụ quốc phòng, an ninh và trường hợp đặc biệt khác.
Đối với đầu tư vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò đối với khoáng sản, Bộ TN&MT hoàn thiện các quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ tài nguyên; Chính phủ quy định tiêu chí xác định khoáng sản chiến lược, quan trọng, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đem lại hiệu quả cao.
Bộ cũng xem xét nghiên cứu, rà soát quy định về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; Bộ chịu trách nhiệm ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện thăm dò, khai thác khoáng sản, phê duyệt các đề án sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định; Bộ trưởng Bộ TN&MT có thể thành lập Hội đồng để tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trước khi xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Bộ rà soát các quy định về điều chỉnh quy hoạch, cấp phép, thu hồi, đóng cửa mỏ, đầu tư, chế biến khoáng sản... để thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đấu giá tài sản và các luật có liên quan.