Biển đảo

Chia sẻ kinh nghiệm và triển khai mô hình “Cô Tô không có rác thải nhựa”

Thu Loan 20/03/2024 - 22:42

(TN&MT) - Ngày 19/3, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, WWF Việt Nam phối hợp với UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học tập, triển khai mô hình “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”.

Tham dự Chương trình có gần 100 đại biểu đến từ Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TNMT), Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển (Bộ Quốc phòng), Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam), Sở TN&MT cùng đại diện các huyện đảo gồm: Cô Tô (Quảng Ninh), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đồng chủ trì Hội nghị có ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục BHĐVN, ông Nguyễn Việt Dũng, UV BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô và bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm rác nhựa WWF VN.

ong-tri-.png
Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc, ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục BHĐVN cho biết, ở bình diện quốc gia và quốc tế, ô nhiễm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương đã trở thành một trong ba thách thức toàn cầu lớn nhất về môi trường hiện nay. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua những cam kết quốc tế và hành động quyết liệt nhằm đóng góp vào nỗ lực chung để giải quyết các thách thức to lớn này, hướng đến một môi trường trong lành và phát triển bền vững. Các cam kết quốc tế đã được Việt Nam từng bước cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo cũng như về chính sách, pháp luật trong thời gian qua.

Ông Trương Đức Trí cũng cho biết, vào cuối tháng tháng 4 tới đây, tại Ottawa, Canada, Đoàn Đàm phán của Việt Nam tiếp tục tham gia vòng đàm phán lần thứ 4 cùng các quốc gia có biển để trao đổi, thảo luận tiến tới thống nhất về một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Ở quy mô cấp địa phương, Phó Cục trưởng Trương Đức Trí mong rằng, thông qua Chương trình này, các cơ quan quản lý TNMT các địa phương có biển, đặc biệt là đại biểu đến từ Cô Tô, Cồn Cỏ, Phú Quốc, Côn Đảo có nhiều cơ hội để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như học tập triển khai mô hình “Huyện đảo không rác thải nhựa” và tham quan thực tế các mô hình mà Cô Tô đã và đang triển khai, từ đó nghiên cứu, cụ thể hóa thành các chính sách, mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, góp phần nhằm nâng cao công tác quản lý TNMT, trong đó có rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng thông qua việc tái chế, tái sử dụng, đa dạng hóa các sản phẩm thay thế và thay đổi chính sách cũng như điều chỉnh thị trường.

co-to-.png
Ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết, Cô Tô là một trong những huyện đảo có những nỗ lực vượt bậc trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Việc xây dựng và triển khai Đề án 175 về “Huyện đảo không rác thải nhựa” thực sự hiệu quả và đã trở thành điểm sáng trong tỉnh.

Theo Ông Nguyễn Việt Dũng, các giải pháp cụ thể đã được triển khai bao gồm: Tuyên truyền tới từng hộ gia đình, người lao động, học sinh, các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, các chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chủ các khách sạn, nhà hàng, các hãng tàu vận tải, các ngư dân khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển, các cơ sở chế biến hải sản,… về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, môi trường biển.

Ký cam kết với các phương tiện vận tải khách, vận tải hàng hóa không vận chuyển túi nilon khó phân huỷ, đồ nhựa dùng 1 lần vào địa bàn huyện; Thực hiện thay thế sản phẩm nhựa; quản lý, thu gom phân loại và xử lý rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương,… Bên cạnh đó nguồn rác thải nhựa từ đại dương trôi dạt vào các bãi biển trên địa bàn huyện vào mùa bão, mùa gió đông bắc, mùa gió tây nam hàng năm là rất lớn và không kiểm soát được nguồn gốc, nguồn lực để tổ chức thu gom nguồn rác nhựa này là rất lớn nhưng hiện tại còn rất hạn chế.

nong-truong.jpg
Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch huyện Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị chia sẻ tham luận tại Hội nghị

Tại diễn đàn này, các đại biểu đã được nghe Phó Chủ tịch huyện Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị - ông Trương Khắc Trưởng; Phó Chủ tịch thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - ông Phạm Văn Nghiệp và Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - ông Huỳnh Trung Sơn chia sẻ những giải pháp hiệu quả thông qua việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý các sản phẩm nhựa, đa dạng hóa các sản phẩm thay thế nhựa cũng như các giải pháp thu gom, tái chế các sản phẩm nhựa.

Đồng thời, các đại biểu chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở nước ta.

canh-sat-bien.jpg
Đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển cũng đã trao đổi, chia sẻ một số giải pháp nhằm từng bước nâng cao công tác bảo vệ môi trường biển, trong đó có quản lý rác thải nhựa đại dương.

Cùng ngày, Đoàn công tác đã tham quan thực tế các mô hình đang được triển khai tại Cô Tô trong khuôn khổ Đề án 175 về “Huyện đảo không rác thải nhựa”. Các mô hình: “Rác thải học đường” tại trường cấp 1-2 thị trấn Cô Tô; “Biến rác thành tiền” do Hội Phụ nữ khu 2, thị trấn Cô Tô thực hiện; “Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường - không sử dụng đồ nhựa 1 lần” trong hoạt động kinh doanh tại Trung tâm Thương mại là những mô hình mang lại hiệu quả cao và được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện thực hiện.

Thu Loan