Dưới bóng đổ nghìn năm đại thụ - Kỳ 2: Hãy để cho những cái cây...
Dần dà, dường như cuộc sống với những quy luật giản dị và khắc nghiệt của nó, không cần ai dạy dỗ, cứ thế ngấm vào, hình thành nên vị thế độc đáo và quan trọng của các cây cổ thụ kỳ vĩ trong giáo dục môi trường, bảo tồn sinh thái,...
Dần dà, dường như cuộc sống với những quy luật giản dị và khắc nghiệt của nó, không cần ai dạy dỗ, cứ thế ngấm vào, hình thành nên vị thế độc đáo và quan trọng của các cây cổ thụ kỳ vĩ trong giáo dục môi trường, bảo tồn sinh thái, phát triển du lịch, góp phần đắc lực cho hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của các con dân xứ này và cả khách lãng du toàn thế giới.
Cách đây 20 năm, tôi đã viết: hãy để cho những cái cây được nói. Bóng đổ của những cái cây cổ thụ, đẹp mê hồn, đã thành một phần không thể thiếu của lịch sử loài người. Một cái cây ven vở nước dọc quốc lộ, không là di tích, chẳng là cây trong danh mục quý hiếm hay nằm vào lâm phận rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Rất tự nhiên, nó đậm in trong ký ức bao thế hệ, đi vào văn chương nghệ thuật, trở thành tên gọi của cả vùng đất, có tên trong “dẫn đường” của Google map toàn cầu. Người chụp ảnh chơi, kẻ làm bộ ảnh cưới, ai đó vẽ tranh bán ra quốc tế bằng tiền đô, người ta xa quê hương ngồi thổn thức nói với nhau về tàng cây cô đơn giữa đồng với dáng đứng và các vòm tán lá đẹp mê tơi đó.
Thế rồi, một ngày xấu trời, có gã ít học làm nghề mở đường, xây lại kênh mương thủy lợi, không cần xin ý kiến hay trao đổi với ai, mặc định hắn cho máy xúc máy ủi ẩy ngã chổng kềnh cụ đại thụ. Hắn thậm chí còn ưỡn ngực tiếm phong mình là kẻ đi đầu, tận tâm với cuộc mưu sinh rồi hành trình đi đến với cơm ngon hơn, áo đẹp hơn của bà con mình. Hắn lấy đi bao nhiêu thổn thức của người đời, vài thi nhân, nhà báo lên tiếng oán trách hắn và các nhóm người kia vì tiếc nuối mấy tán cây mọc ở đầu đường xó chợ - thì hỡi ôi, cũng chỉ là “mất bò mới lo làm chuồng” mà thôi.
Lần ấy, sang Liên bang Nga, tại ngoại ô Moscow, tôi có trò chuyện với Rasul - một tỷ phú người Hồi giáo sinh ra ở vùng Ka-zak-stan. Ông khai hoang kiến thiết những cánh đồng trồng ngô hàng trăm nghìn ha, ông bới đất lật cỏ gặp những chiếc máy bay rơi, vô số xích xe tăng bị bỏ lại từ thế chiến thứ 2 và cả những chiếc móng sắt đóng cho đàn ngựa của các chiến binh thời cũ; rồi vỏ đạn, báng súng, di vật của cả hai phe từ cuộc chiến đẫm máu bậc nhất lịch sử: Hồng quân Liên Xô chống phát xít Đức.
Chợt có bà mẹ hơn 90 tuổi lật khật đi ra, đứng trước cỗ máy hàng vạn chi tiết. Xe khựng lại. Bà mẹ khóc bảo: “Ông đừng chặt cái cây to nhất này nhé, khi con trai tôi lái máy bay đánh phát xít Đức, máy bay bị cháy, không một ai còn sống. Và tôi đã trồng cái cây này vào hôm đó, để tưởng nhớ con tôi và những người yêu nước”.
Khóe mắt và cả gương mặt già dăn deo của cụ xô lệch một lúc lâu, không có âm thanh nào phát ra quá ầm ĩ, cụ dàn dụa khóc. Khiến chúng tôi cũng rơi lệ.
Ở nhiều vùng đất, cứ một thành viên trong gia đình ra đời, họ trồng một cái cây trong vườn. Hoặc ai đó mất đi, họ cũng trồng một cái cây để tưởng nhớ. Tôi đến Bhutan - đất nước Hạnh phúc nhất Thế giới, đức vua Bhutan du học phương Tây về, hạ sinh một hoàng tử, ông đồng ý để thần dân của mình chúc mừng bằng cách phát động một lễ trồng 1 triệu cây xanh (đại ý thế, tôi không nhớ cụ thể về số liệu) để chào mừng…
Nếu bây giờ nhắm mắt lại, mơ tưởng đến các vùng đất kỳ thú ở Việt Nam mà 30 năm làm báo lãng du của tôi đã đi qua, có thể thấy bóng đổ của các cây cổ thụ, các cánh rừng già nguyên sinh rất ám ảnh. Chắc chắn không chỉ mình tôi cảm thấy tràn ngập hạnh phúc khi được ngợp trong màu diệp lục thương mến và bảo bọc ấy. Đây, cả một thành phố công viên vùng Trà Vinh đậm sắc Khơ-me, ở đó có khu Ao Bà Om với vô số cây cổ thụ khổng lồ, những bộ rễ nhiều tầng cuồn cuộn kỳ thú trồi lên mặt đất. Đêm, chim cú kêu mơ hồ tắc bụp mà thẳm sâu, ngày, người ta cắm trại nấp vào sự kỳ vĩ của thiên nhiên mà chống lại bao nhiêu sân si tục lụỵ trên đời. Tại tỉnh Nghệ An, chắc khó có người ưa hoài niệm và sự lãng mạn nào đi dọc Quốc lộ 7 từ các huyện Đô Lương, Con Cuông, qua vùng thương mến Tương Dương, xứ biên ải Kỳ Sơn rồi sang đất Lào mà không dừng chân ở “Rừng săng lẻ”.
Địa danh này, bản đồ của Google thể hiện rất rõ lâu nay. Bởi 41ha rừng săng lẻ cổ thụ tuyệt sắc ấy, chúng như một miền cổ tích mọc ra, trùm kín hai bên Quốc lộ 7 ồn ào xe cộ. Dù có thể chưa biết đó là một “bảo tàng thiên nhiên” nổi tiếng gắn bó với những người giữ rừng huyền thoại (là ông Vi Chính Nghĩa - nguyên Bí thư huyện ủy Tương Dương), nhiều thập niên qua; nhưng, bất kỳ ai vấp phải thế giới màu xanh xum xuê trùm phủ ấy, cũng phải thảng thốt: sao rừng và cây rừng trải miên man ra quốc lộ ven sông Lam kỳ lạ vậy. Tất cả cùng ngất ngây. Một ốc đảo xanh 41ha. Và các quán hàng, khu dừng chân vãn cảnh mọc lên theo nghị quyết của chính quyền địa phương, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân không chỉ vùng xứ Nghệ: muốn dừng lại càng lâu càng tốt, để đắm chìm trong thế giới diệp lục kỳ diệu…
Tiêu biểu nhất cho việc vinh danh các cây đại thụ, rồi phát triển du lịch đắt khách nhờ các tàng cây, có lẽ là Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên (trùm lên địa giới hành chính 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng). Đây được mệnh danh là cả “thế giới động vật châu Phi bên bờ sông Đồng Nai”, nhưng cái độc đáo không kém các loài muông thú tung tăng ngỡ ngàng đó (cả bò tót, bò rừng, trâu rừng, nai, gấu, chim công…) lại chính là câu chuyện về các kỳ quan cây cổ thụ độc đáo, khổng lồ, không ở đâu có được.
Bảo tàng các cây cổ thụ ở VQG Cát Tiên có thể khiến bất cứ ai cũng phải sững sờ. Đây, các cây Tùng cổ thụ hơn 400 năm tuổi, cao hơn 40m, thân to phải đến 20 người mới xuể. Bộ rễ của cụ bành ra như những con khủng long thời tiền sử, bò khắp vài chục mét rừng già. Tạo nên những thành quách dựng đứng bằng gỗ tươi xám xanh, vài chỗ rêu mốc tuyệt đẹp. Bên kia, cây gõ đỏ cổ thụ, quý, hiếm, đã được công nghệ tân tiến xác định niên đại hơn 700 năm tuổi, đường kính gốc tới 2,5m. Từ cuối những năm 1980, đồng chí Phạm Văn Đồng, bấy giờ là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đến thăm cây gõ đỏ “kỳ quan đại thụ” này và có lời khuyên nhủ quý giá với công tác bảo vệ rừng ở kho tàng thiên nhiên quý Cát Tiên. Xúc động trước tình cảm này, cán bộ và bà con nơi đây đã treo biển, mở đường chỉ dẫn rồi đặt tên “cây di sản”: “Cây gõ bác Đồng”.
Chúng tôi đến cây si trăm thân, qua các lối rừng mê mải, như lạc vào thiên đường của hoa lá. Nhiều bạn trẻ cắm trại, mở tiệc liên hoan bên bờ suối mát trong. Ở đó, cây si trùm kín con suối, trùm kín đôi bờ, rộng dài cả trăm mét. Hàng trăm cái “thân” của cây đại thụ 400 năm tuổi cắm xuống đất, xuống đá, xuống bùn, xuống nước, tạo nên một bảo tàng sinh thái ánh sáng mặt trời không thể lọt qua.
Cách đó không xa là cây thiên tuế có tuổi đời vài thế kỷ; cây bằng lăng sáu ngọn, cây bằng lăng hình voi, cây bằng lăng u mấu - tất cả đều kỳ vĩ đã trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 300 năm qua, cây đa Lục giao (theo nghĩa 6 cây cổ thụ mọc giao cành lá vào nhau) có cành nhánh đan cài vào nhau cuồn cuộn, tạo thành một mái vòm khổng lồ, khiến người ta nghĩ đến sự kỳ công và khả năng thiết kế tài hoa của tạo hóa.
Những ngày ở vùng Tây Giang, xứ đậm sắc văn hóa Kơ-tu của tỉnh Quảng Nam, tôi được ông Bí thư huyện ủy bấy giờ là Bờ-liếc dẫn đi thăm rừng pơ mu cổ thụ mênh mông trên núi Zilieng, trải dọc hai xã Trhy và Asan. Với 1,2 nghìn cây cổ thụ, trong đó 725 cây đã được đánh dấu, nghiên cứu, xác định tuổi đời từ 300 đến 1.000 năm; cá biệt có các “đại lão mộc tinh” 1.850 năm tuổi. Tất cả đã được liệt hạng là cây di sản của Việt Nam. Các chuyên gia từ Nhật, Mỹ đã đến nghiên cứu và chính thức kết luận thuyết phục bằng phương pháp khoa học hiện đại nhất: nhiều cụ đều hơn 1.800 tuổi. “Các cụ” đại thụ to cả chục người ôm chưa kín vòng gốc, rêu mốc phủ kín, chỗ hình mặt hổ phù, chỗ hình con chim công đang múa, chỗ y hệt một con rồng cuồn cuộn đang thăng thiên giữa bốn bề mây xanh (màu xanh cây lá rừng rêu). Người nơi đây thành lập đội tuần rừng, thậm chí, cây pơ mu cao quá, rất hay bị sét đánh, chính quyền Tây Giang và bà con lên kế hoạch lắp cả dây thu lôi để bảo vệ “đại lão mộc tinh” khỏi cơn xung thiên của cụ Thiên Lôi.
Đi bộ cả ngày ròng, vắt cắn máu lêu lao, khám phá khu vực 1.200 cây pơ mu khổng lồ ấy xong, từ đáy lòng, tôi luôn mơ ước bảo tàng sinh thái này cần biến thành tour “về nguồn” quý giá cho du khách cả trong và ngoài nước. Đó là cách tốt nhất để có thu nhập thường xuyên giúp người giữ rừng. Du khách cũng là “lực lượng bảo vệ” và giám sát đông đảo nhất cho các khu rừng già hoang lạnh kia. Và, các giá trị đó, nếu không đánh thức chúng trong giáo dục cộng đồng thì thật là uổng phí, là có tội với đất nước ông bà.
Bút ký của: ĐỖ DOÃN HOÀNG
Trình bày: TÙNG QUÂN