Đường ưu tiên dành cho xe đạp có phát huy được hiệu quả?
(TN&MT) - Đường ven sông Tô Lịch là tuyến đường ưu tiên dành cho người đi bộ, xe đạp lưu thông. Tuy được Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) khánh thành từ ngày 1/2/2024, song đến nay sau hơn một tháng thí điểm, tuyến đường này vẫn trong tình trạng đìu hiu, vắng vẻ, lưu lượng người dân lựa chọn sử dụng con đường này còn khá manh mún…
(TN&MT) - Đường ven sông Tô Lịch là tuyến đường ưu tiên dành cho người đi bộ, xe đạp lưu thông. Tuy được Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) khánh thành từ ngày 1/2/2024, song đến nay sau hơn một tháng thí điểm, tuyến đường này vẫn trong tình trạng đìu hiu, vắng vẻ, lưu lượng người dân lựa chọn sử dụng con đường này còn khá thưa thớt…
Bắt nguồn đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa, qua các nút giao từ đường Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng – Lê Văn Lương đến Cầu 361 – Cầu Cót – Yên Hoà, tuyến đường dành cho người đi bộ và người đi xe đạp được “ra đời” với mục đích kết nối giao thông, tăng khả năng trung chuyển của xe đạp với các phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Với chiều dài 4km (2300m, rộng 4m) chạy dọc sông Tô Lịch, đường được phân làn 3m dành riêng cho người đi xe đạp và 1m dành cho người đi bộ. Tuyến thứ nhất liên kết với với ga Láng của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và ga số 8 của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, đồng thời tạo khả năng giúp người dân thuận tiện trong việc di chuyển bằng xe đạp thông minh (TNGO) và các tuyến xe buýt qua 6 điểm dừng trên đường Láng.
Tuyến thứ 2 quanh vỉa hè công viên Hòa Bình, đường Hoàng Minh Thảo, tổng tuyến đường dành cho xe đạp khoảng 5,7km (làn dành cho xe đạp mỗi chiều rộng 2m, phần còn lại cho xe máy và xe thô sơ 4,5m) trong đó, khu vực đi bộ trên hè quanh công viên Hòa Bình là 1,8km trên đường Hoàng Minh Thảo gần 4km.
Được biết, các loại hình xe đạp được phép tham gia giao thông trên tuyến đường thí điểm là xe đạp di chuyển hoàn toàn bằng sức người (các loại xe đạp điện không được phép đi vào); tại mỗi điểm giao đều có rào chắn và biển báo cấm xe máy, ô tô. Đây được coi là dự án có kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt sông Tô Lịch.
Theo quan sát của PV Báo Tài nguyên và Môi trường cho thấy, dù tuyến đường đã được đưa vào hoạt động hơn một tháng, tuy nhiên, những hạng mục quanh khu vực này đang có dấu hiệu xuống cấp, gỉ sét. Một số phương tiện giao thông còn tận dụng không gian này dùng làm chỗ đỗ xe; rác thải bị tập kết, vứt bừa quanh khu vực khuôn viên tuyến đường....
Mặc dù được nghiên cứu, đầu tư với mục đích đảm bảo giao thông ổn định, thuận tiện, hạn chế ùn tắc, thế nhưng hiện nay, tuyến đường này tại 2 địa điểm trên đều rất đìu hiu, vắng vẻ. Trong khoảng thời gian từ 9h sáng, lượng người dân sử dụng xe đạp hay đi bộ trên tuyến rất ít, nhiều người dân đi xe đạp vẫn lựa chọn đi trên trục đường chính, lưu thông cùng các phương tiện khác, thay vì đi vào đường ưu tiên.
Phải đến đầu giờ chiều, người dân mới bắt đầu di chuyển vào khu vực đường ưu tiên với mục đích tập thể dục, như vậy đường ưu tiên dành cho xe đạp vẫn chưa thật sự phát huy được hiệu quả đáng kể.
Cũng không thể loại trừ những bất cập tại tuyến đường này như việc sông Tô Lịch bốc mùi, cùng việc thi công hạng mục thuộc dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, hạ tầng xuống cấp,... nên thời gian qua cũng khá ít người lui tới.
Tuy nhiên, tuyến đường dành cho xe đạp và người đi bộ mới được đưa vào hoạt động, vẫn còn cần được theo dõi, đánh giá khảo sát để kịp thời đưa ra phương án khắc phục, điều chỉnh hợp lý không gian mới cho người dân...