Giám đốc Chương trình Khoa học máy tính VinUni: “Chúng tôi trang bị nền tảng cốt lõi cho các nhà lãnh đạo công nghệ”
Đó là khẳng định của Giáo sư Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính Trường ĐH VinUni trao đổi với báo chí về môi trường chuẩn quốc tế tại VinUni.
GS Wray Buntine là một chuyên gia về học máy (machine learning - một phần quan trọng trong ngành trí tuệ nhân tạo AI) hàng đầu thế giới. Ấn tượng với mô hình trường đại học xuất sắc đào tạo nhân tài cho tương lai, GS Wray đã nhận lời mời của VinUni và sang làm việc tại đây đã hơn hai năm.
Những nhà lãnh đạo công nghệ trong tương lai
PV: Thưa Giáo sư, Công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là Khoa học máy tính (KHMT), đang là ngành học “thời thượng” với nhiều sinh viên. Có điểm gì đặc biệt trong chương trình đào tạo cử nhân KHMT ở VinUni?
GS Wray Buntine: Đào tạo lĩnh vực CNTT thường có ba ngành: CNTT, kỹ thuật phần mềm, KHMT. Với ngành CNTT, các trường sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức thiên về ứng dụng phần mềm vào trong công việc tại các doanh nghiệp. Kỹ thuật phần mềm chú trọng vào những công cụ viết phần mềm, kiểm tra lỗi phần mềm.
Còn với KHMT thì các bạn sẽ học được nguyên lý chung về khoa học máy tính, đây là nền tảng để giúp người học sau này học lên cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) về khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, hoặc các kỹ thuật chuyên sâu khác, khi đó người học có thể tùy chọn học ngành học phù hợp, tùy thuộc vào sở trường. Ngành cử nhân KHMT của VinUni đào tạo cho sinh viên nền tảng đó.
Ở VinUni, các cử nhân KHMT tương lai sẽ được chọn học chuyên sâu hoặc về trí tuệ nhân tạo, hoặc khoa học dữ liệu, hoặc an ninh mạng. Đồng thời các em được thực hành thực tế, học kỹ năng khởi nghiệp, học kỹ năng lãnh đạo. Nhưng dẫu chọn chuyên ngành nào thì 70% kiến thức là các em học giống nhau, sự khác biệt sẽ ở trong khoảng 30% còn lại.
Mục tiêu của chúng tôi không phải là giúp sinh viên sau khi ra trường kiếm được một công việc, mà là giúp các em có nền tảng để sau này trở thành những nhà lãnh đạo như giám đốc kỹ thuật hoặc học lên cao hơn để có trình độ cao, có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng của nền khoa học kỹ thuật thế giới.
PV: Ở VN cũng có những trường ĐH rất uy tín trong đào tạo lĩnh vực Khoa học Máy tính. Liệu chương trình của VinUni có gì vượt trội hơn?
GS Wray Buntine: Tôi không muốn so sánh, hãy để cho người học làm điều đó. Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng chương trình cử nhân KHMT của VinUni được xây dựng dựa vào chương trình KHMT của ĐH Cornell, Mỹ. VinUni mới mở nên chưa thể cung cấp được nhiều khóa học cho sinh viên như ở Cornell, nhưng cũng đã cung cấp được cho người học những môn học cốt lõi trong ngành KHMT.
Sinh viên nhóm ngành KHMT ở VinUni có triển vọng nghề nghiệp rất rộng mở, đa dạng lĩnh vực và đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao như: Tự động hóa – robot, Công nghệ tài chính/y tế, Công nghệ ô tô/hàng không vũ trụ, Phân tích dữ liệu, Nghiên cứu và phát triển, Viễn thông/Internet vạn vật (IoT)….
Để phù hợp trong tổng thể chương trình ở VinUni, chúng tôi đã phải thay đổi chứ không bê nguyên chương trình học ở Cornell. Nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo, một chương trình đào tạo tốt chưa đủ mà còn phụ thuộc vào các điều kiện kèm theo.
PV: Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể hơn về các điều kiện này ở VinUni?
GS Wray Buntine: Điểm mạnh nổi bật ở VinUni so với các trường ĐH khác ở Việt Nam trước hết là môi trường đào tạo. Các giảng viên được làm việc trong môi trường chuẩn quốc tế, được ra nước ngoài đào tạo và học hỏi, có thời gian thực hiện các dự án nghiên cứu, khối lượng giảng dạy không bị quá tải. Giảng viên có nhiều thời gian để làm nghiên cứu và các công việc chuyên môn một cách có chất lượng, được cập nhật những thông tin mới nhất trên thế giới về chuyên ngành của mình.
Sinh viên của VinUni có đầu vào rất tốt. Được học với thầy cô giỏi, trong một môi trường đạt chuẩn quốc tế, cơ sở vật chất chẳng kém gì các trường ĐH tốt ở các nước phát triển, nên các em nhanh chóng trở thành những sinh viên rất giỏi. Đồng nghiệp của tôi ở các ĐH lớn của Úc sang đây làm việc rất ấn tượng về trình độ của sinh viên VinUni.
Đào tạo tại chỗ nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam
PV: Như giáo sư từng chia sẻ, khi sang VinUni, ông đã đề xuất mở thêm chuyên ngành khoa học dữ liệu. Đâu là lý do để ông có đề xuất này?
GS Wray Buntine: Khoa học dữ liệu là một chuyên ngành đang ngày càng phổ biến. Đây là ngành nhiều tiềm năng, phục vụ thiết yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội. Các trường ĐH ở Mỹ cũng ngày càng có nhiều trường mở chuyên ngành khoa học dữ liệu.
Trước đây, nguồn nhân lực chất lượng cao tốt nhất đến từ các ngành khoa học kỹ thuật không phải KHMT, vì sinh viên ngành KHMT chưa được học đủ nhiều về toán. Nhưng giờ đây, với chuyên ngành khoa học dữ liệu, các em được học toán nhiều hơn, các em không cần quá giỏi về cấu trúc của một cái máy tính, nhưng các em biết cách sử dụng dữ liệu thế nào trong việc xây dựng chương trình kỹ thuật.
PV: Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính là viện đầu tiên triển khai đào tạo bậc tiến sĩ của VinUni với chương trình tiến sĩ KHMT, mà giáo sư là người chủ trì. Được biết, dù mới mở nhưng chương trình có sức hút rất lớn, dù bối cảnh chung của Việt Nam hiện nay là tuyển sinh đào tạo tiến sĩ rất khó khăn. Giáo sư nghĩ thế nào về điều này?
GS Wray Buntine: Tôi thấy vui vì chương trình mới nhưng số hồ sơ khá nhiều, gấp 5 lần chỉ tiêu tuyển sinh. Một phần do yêu cầu của chúng tôi khá cao, một phần là vì chúng tôi muốn đi từng bước chắc chắn, ưu tiên nhận những người học xong ở lại Việt Nam làm việc. Nghiên cứu sinh vẫn sẽ được gửi ra nước ngoài học thêm, nhưng mục tiêu của chúng tôi là tạo mạng lưới chuyên gia làm việc trong nước. Chúng tôi nỗ lực tạo ra chất lượng đào tạo ít nhất bằng các trường đại học quốc tế được xếp hạng, ví dụ, trong top 300. Do đó, trước hết chúng tôi phải lựa chọn ứng viên một cách nghiêm túc.
Một đất nước muốn có được những công ty hùng mạnh đòi hỏi phải có lực lượng nhân lực trình độ cao, nếu không thì phải thuê chuyên gia nước ngoài. Chương trình tiến sĩ của VinUni có tham vọng đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam mà không cần phải gửi đi đào tạo tại nước ngoài trong lĩnh vực CNTT. Khi sinh viên ra nước ngoài học tiến sĩ thì không biết các em có quay về không và bao giờ các em mới quay về, trong khi nhu cầu nhân lực CNTT trình độ cao ở VN ngay bây giờ, ngay tại đây là rất lớn.
- Xin cảm ơn GS Wray Buntine!
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là giúp sinh viên sau khi ra trường kiếm được một công việc, mà là giúp các em có nền tảng để sau này trở thành những nhà lãnh đạo như giám đốc kỹ thuật hoặc học lên cao hơn để có trình độ cao, có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng của nền khoa học kỹ thuật thế giới”.
GS Wray Buntine!