Khoáng sản

Xây dựng khung pháp lý rõ ràng: Giải pháp tiềm năng thúc đẩy ngành khai khoáng

Mai Đan 19/03/2024 - 14:34

(TN&MT) - Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng ở các giai đoạn khác nhau là hoạt động liên quan đến lợi ích địa phương (cộng đồng, người lao động, Chính phủ,...) và lợi ích quốc tế (các tập đoàn lớn, thương mại quốc tế,...).

Do đó, đây là hoạt động phức tạp, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách rõ ràng để giải quyết những thách thức phát sinh. Điều này được các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế khẳng định tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng vừa diễn ra tại Hà Nội.

Xây dựng thể chế pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch

Theo ông Alex Worner - Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng luật của Ernst & Young (EY) Australia, với quá trình chuyển dịch năng lượng, ngành khai khoáng và kim loại trên toàn cầu phải đầu tư 1,7 nghìn tỷ USD trong 15 năm tới để đảm bảo đủ nguồn cung đồng, coban, niken và các kim loại quan trọng khác.

Ông cho rằng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều cơ hội để có được lợi ích đáng kể từ ngành khai khoáng nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức đối với các công ty khai khoáng để có thể đến được giai đoạn sản xuất khoáng sản, trong khi lợi ích mang lại đối với nước sở tại và cộng đồng địa phương chính là từ giai đoạn sản xuất.

11.jpeg
Chính phủ có thể hỗ trợ xây dựng khung pháp lý và chính sách rõ ràng về địa chất, khoáng sản

Ông Alex cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ vượt qua những thách thức này bằng cách xây dựng khung pháp lý và chính sách rõ ràng, hiện đại và thực chất, bao gồm tất cả các khía cạnh của hoạt động phát triển và vận hành mỏ.

Nêu thực tế tại Việt Nam để thấy tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý và chính sách rõ ràng về địa chất, khoáng sản, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 50 loại khoáng sản, với khoảng 5.000 mỏ quy mô khác nhau đang hoạt động (Bộ TN&MT cấp 600 giấy phép, còn lại là địa phương), công nghiệp khai thác mỏ chiếm gần 5% tổng GDP.

Tuy nhiên quá trình khai thác, sử dụng mỏ vẫn chưa hiệu quả, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân là bởi hệ thống pháp luật vẫn có những điểm chưa phù hợp, hệ thống giám sát, kiểm tra chưa chặt chẽ.

Thực tế trên đòi hỏi luật cần phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục bất cập trên thực tế; tiếp cận phương pháp quản trị hiện đại của các nước và phù hợp các điều ước, cam kết quốc tế. Với tinh thần đó, Bộ TN&MT đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản rất công phu, với Dự thảo Luật gồm 12 chương và 117 điều.

Theo ông Nguyễn Hợp - Giám đốc Chiến lược và Phát triển Kinh doanh Cấp cao, Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) (INSEE), Dự thảo Luật Địa Chất và Khoáng sản đã được xây dựng công phu mang tính tổng quát và kế thừa Luật Khoáng sản năm 2010.

Đặc biệt, Dự thảo Luật có nhiều điểm mới khắc phục những bất cập của Luật Khoáng sản hiện nay như: Gộp phần Địa chất và Khoáng sản, phân khoáng sản làm 4 nhóm, rõ ràng hơn về trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản... Dự thảo Luật cũng phù hợp chung với chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản.

Thiết lập hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý và chính sách rõ ràng về địa chất, khoáng sản, đại diện lãnh đạo Cục Địa chất Việt Nam cho biết, nội dung quản lý hoạt động khoáng sản đã được thể hiện rõ trong Luật Khoáng sản năm 2010 cũng như trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, từ các điều khoản quy định quy hoạch, các quy định cấp gia hạn thu hồi giấy phép thăm dò và giấy phép khai thác, trách nhiệm của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp...

Nội dung này cũng được thể hiện thông qua các văn bản dưới luật, thể hiện ở Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật và các Thông tư quy định chi tiết điều khoản nội dung trong nghị định.

Đại diện này cho rằng mặc dù còn một số tồn tại nhưng nhìn chung, các quy định trong Luật Khoáng sản 2010 đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và điều này cũng được kỳ vọng trong Dự thảo Luật.

Blackstone Minerals - công ty khai khoáng niêm yết của Australia đang phát triển một trong những dự án niken chưa phát triển nhiều tiềm năng nằm ở khu vực tỉnh Sơn La của Việt Nam (dự án Tạ Khoa) là một trong những doanh nghiệp đã và đang tuân thủ các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành.

Nhấn mạnh vai trò cấp thiết của việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài cần được quản lý tập trung, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Ông Lon Taranaki - Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Blackstone Minerals cho biết, Blackstone đã thành công trong việc xác định nguồn tài nguyên niken quy mô thế giới tại Bản Phúc. Để đạt được điều này, Blackstone đã sử dụng các kỹ thuật thăm dò địa vật lý hàng đầu trong ngành, khoan hơn 100.000m, thiết lập dữ liệu thăm dò và nghiên cứu mẫu công nghệ với khối lượng gần 5.000 tấn, thực hiện quy mô phòng thí nghiệm, quy mô nhà máy thử nghiệm và thử nghiệm quy mô đầy đủ. Blackstone đã xây dựng một cơ sở thử nghiệm tại chỗ để thử nghiệm các công nghệ mới.

Kết quả cuối cùng là Blackstone có nguồn tài nguyên tuân thủ JORC Code (Tiêu chuẩn báo cáo trữ lượng khoáng sản của Australia) và quy định của Việt Nam là gần 300.000 tấn niken kim loại và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia Việt Nam đã thông qua báo cáo kết quả thăm dò và phê duyệt trữ lượng của Blackstone vào năm 2023. Tất cả những điều trên đã được thực hiện theo Luật Khoáng sản hiện hành.

Ông Lon Taranaki mong rằng, thời gian tới, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ có những quy định tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Blackstone được tham gia hợp tác thăm dò nhiều hơn.

Mai Đan