Môi trường

Lạng Sơn: Kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm không khí

Hoàng Nghĩa 19/03/2024 - 14:31

(TN&MT) - Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ chất lượng môi trường không khí trên địa bàn.

Chủ động các giải pháp

Hiện nay, các nguồn ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu từ hoạt động của các nhà máy sản xuất xi măng, luyện kim, thuộc da, nhiệt điện than, lò đốt rác thải sinh hoạt, lò đốt chất thải y tế, sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản, các phương tiện giao thông.

Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh; phê duyệt Chương trình quan trắc chất lượng môi trường tỉnh hàng năm; thường xuyên ban hành các công văn giao rõ nhiệm vụ cho các đơn vị để triển khai thực hiện.

14b.jpg
Môi trường không khí ngoài trời tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023 tương đối tốt

Sở TN&MT đã tổ chức các lớp tập huấn bảo vệ môi trường (BVMT) không khí lồng ghép vào nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dư?ng nông thôn mới (NTM), hươ´ng tơ´i NTM thông minh giai đoa?n 2021 - 2025; kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM đến năm 2025.

Kết quả, đã triển khai 11 lớp cho 17 xã về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, xã điểm, với sự tham gia của hơn 1.200 người; 2 hội nghị tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại huyện Bắc Sơn; 2 hội nghị tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Bên cạnh đó, duy trì các hoạt động ra quân BVMT, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2026 giữa Sở TN&MT với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức tôn giáo. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, cá nhân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, góp phần BVMT, kiểm soát ô nhiễm.

Tập trung kiểm kê nguồn phát thải

Theo Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, Sở đang tập trung hoàn thành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, chú trọng nội dung kiểm kê các nguồn điểm, nguồn di động... Qua ước tính sơ bộ, có khoảng 26 cơ sở sản xuất trên toàn tỉnh thuộc đối tượng kiểm kê phát thải nguồn điểm, gồm: 1 cơ sở nhiệt điện than; 5 cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn y tế; 2 cơ sở sản xuất xi măng; 4 cơ sở sản xuất kim loại; 3 cơ sở sản xuất nhựa thông; 2 cơ sở sản xuất da (thuộc da và sản xuất gelatin); 5 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, chế biến lâm sản và 4 cơ sở sản xuất gạch.

Bên cạnh đó, công tác quản lý các hoạt động xây dựng, khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện, đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về quản lý chất thải nguy hại, trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Triển khai lắp đặt hệ thống phần mềm, thiết bị để tiếp nhận số liệu quan trắc tự động liên tục từ các cơ sở truyền về Sở TN&MT; phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc tự động, liên tục. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt 3 trạm quan trắc môi trường không khí tại 3 huyện, 2 đơn vị đã lắp đặt các trạm quan trắc môi trường khí thải tự động, liên tục.

Tuy nhiên, để đánh giá diễn biến chất lượng môi trường không khí bằng mô hình khuếch tán theo hướng dẫn kỹ thuật xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, kết quả của việc đánh giá cần thể hiện được diễn biến chất lượng không khí theo không gian (bản đồ thể hiện nồng độ các chất ô nhiễm không khí có tỉ lệ lớn hơn hoặc bằng 1:10.000) cho khu vực tỉnh, thành phố và theo các mốc thời gian được xem xét trong các kịch bản đánh giá. Như vậy, rất khó khăn trong quá trình in ấn bản đồ, vì tỉ lệ bản đồ lớn hơn hoặc bằng 1:10.000 là quá lớn.

Năm 2024, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; tập trung nguồn lực hoàn thiện và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh; kiểm kê, đánh giá được các nguồn điểm, nguồn di động trên toàn tỉnh.

Hoàng Nghĩa