Đất đai

Thanh Hóa: Hiến đất làm đường giao thông nông thôn giúp phát triển kinh tế

Thu Thủy 18/03/2024 - 17:19

Phong trào hiến đất làm đường ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) trong những năm gần đây đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, là cơ sở thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế xã hội.

Sôi nổi phong trào hiến đất làm đường

Trước đây nhiều xã của huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) gặp nhiều khó khăn bởi hệ thống đường giao thông nông thôn của xã đều nhỏ hẹp, không đủ chiều rộng nền đường, mặt đường và xuống cấp; mật độ dân cư đông, các vật kiến trúc như tường rào, cổng nhà, quán... phần lớn đã được Nhân dân xây dựng kiên cố. Nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, Nhân dân phải tự hiến đất, tự tháo dỡ các vật kiến trúc và bỏ kinh phí để xây dựng lại. Trong khi nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn chưa thông, chưa rõ, trông chờ, ỷ lại vào kinh phí tập thể.

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU, nhiều xã của huyện Triệu Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến khu dân cư cùng vào cuộc. Đồng thời xây dựng kế hoach cụ thể, chi tiết để thực hiện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, phù hợp với địa phương, đến từng hộ thuyết phục, vận động; tranh thủ sự ủng hộ, hưởng ứng của những người có uy tín trong khu dân cư, dòng họ vận động để các hộ hiểu rõ chính họ là người được hưởng lợi. Khi đã thông, đã hiểu, các hộ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, không tiếc công, tiếc của tự giác, tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức làm đường giao thông.

hd1.jpg
Đường giao thông nông thôn sạch đẹp

Đến nay, toàn huyện đã có 34/34 xã, thị trấn triển khai thực hiện nghị quyết, với gần 9.000 hộ dân tham gia hiến đất; phá dỡ tường rào, công trình, vật kiến trúc... trên 260 km chiều dài các tuyến đường và trên 22 ha. Nhiều địa phương đã linh hoạt, sáng tạo trong vận động Nhân dân hiến đất, tiêu biểu là các xã: Thọ Vực, Thọ Tiến, Dân Lý, Dân Quyền, Dân Lực, Xuân Thịnh, Hợp Lý, Thái Hòa, Đồng Thắng... Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2, chặt cây, phá dỡ tường rào và các công trình kiến trúc trên đất.

Điển hình là hộ ông Lê Gia Khoa ở thôn 1, xã Dân Quyền đã tự nguyện phá dỡ căn nhà 3 gian với công trình phụ và hiến 135m2 để mở ngõ cụt. Ông Khoa cho biết: Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhận thấy mình được hưởng lợi về lâu dài nếu đường được lưu thông nên ông đã bàn bạc với vợ con hiến đất, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nghị quyết.

Với bà Nguyễn Thị Hằng, ở thôn 1, xã Dân Lực, sau khi thấy nhiều hộ gia đình khác trong thôn hiến đất, bà cũng tự nguyện hiến 93,4m2 đất để mở rộng đường. Tại xã Thọ Tiến có gia đình ông Võ Văn Giáp ở thôn 4 đã hiến đất, phá bỏ tường rào, công trình nhà ở trị giá khoảng 200 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn 6 đã hiến đất, phá bỏ tường rào, công trình phụ, trị giá trên 100 triệu đồng. Nhiều gia đình tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng sau khi được tiếp thu chủ trương đã tự nguyện hiến đất. Ví như gia đình ông Phạm Viết Hà ở thôn 1 xã Minh Sơn, không ngần ngại phá dỡ 1 gian nhà đang ở và tường rào, hiến gần 60m2 đất, trị giá gần 100 triệu đồng...

Diện mạo thay đổi, kinh tế khởi sắc

Sau khi mở rộng đường, hầu hết các địa phương đã huy động nguồn lực từ Nhân dân xây dựng mới cổng, tường rào, mương thoát nước, di dời cột điện, đổ bê tông, láng xi măng. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, điện chiếu sáng mang lại cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Diện mạo, bộ mặt nông thôn thay đổi cơ bản, Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về chủ trương đúng đắn của nghị quyết.

Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở huyện Triệu Sơn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi chính những con đường mới sẽ giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Trong năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Triệu Sơn đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, thúc đẩy giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Triệu Sơn.

hd2.jpg
Giao thông thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn

Tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 5,28%; mức tăng trưởng của huyện xếp thứ 4/27 huyện, thị xã, thành phố; trong 25 chỉ tiêu chủ yếu có 12 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức và 11 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, trong đó đã đạt được nhiều chỉ tiêu nổi bật như: Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 61,38 triệu đồng (mục tiêu đề ra là 58 triệu đồng) tăng 9,12% so với năm 2022. Tổng sản lượng lương thực đạt 117,26 nghìn tấn, vượt 3,8% KH, vụ chiêm xuân kết thúc thắng lợi với năng xuất lúa đạt 70,2 tạ/ha cao nhất từ trước đến nay. Chương trình xây dựng NTM được quan tâm, dự kiến hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao; có thêm 12 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận, nâng tổng số toàn huyện lên 32 sản phẩm OCOP 3 sao (vượt 4 sản phẩm so với chỉ tiêu tỉnh giao).

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 4.187 tỷ đồng, đạt kế hoạch, tăng 18,7% so với năm 2022.Trong năm, hoàn thiện Đề án rà soát, xây dựng huyện Triệu Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025, thành lập thị xã vào năm 2030. Việc hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 12-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đạt kết quả cao trong năm ước có 1.300 hộ dân hiến đất với chiều dài đường được mở rộng khoảng 200km, diện tích 20.000m2. Toàn huyện đã cắm 3.670 cột biển ký hiệu tên đường, tên ngõ mặt cắt các tuyến đường đạt 100%. Tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt 97,7%. Vốn đầu tư phát triển đạt 4.872 tỷ đồng, mục tiêu đề ra là 4.300 tỷ đồng, xếp thứ 8 toàn tỉnh; giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả nổi bật.

Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện chỉ còn 2,08%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,22%. Chỉ trong năm 2022, huyện đã giảm được 598 hộ nghèo, và 1.065 hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2023, huyện giảm được thêm khoảng 400 hộ nghèo và 516 hộ cận nghèo, từ đó tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 1% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn trên dưới 2%.

Thu Thủy