Tài nguyên nước

Tuyên Quang: Tích cực bảo vệ nguồn nước để đẩy mạnh phát triển

Lê Tí 18/03/2024 - 17:19

Nước là nguồn tài nguyên quý giá, cần thiết cho mọi hoạt động của con người. Tuy nhiên với tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa, công nghiệp… tăng nhanh chóng, tài nguyên nước đối mặt với nguy cơ bị suy thoái, khai thác quá mức và ô nhiễm. Đứng trước thách thức đó, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và kịch bản để bảo vệ và khai thác, quản lý nguồn nước hiệu quả.

Nguồn nước đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm

Tuyên Quang có mật độ sông, suối nhiều, khoảng 0,9 km/km2, với 3 con sông lớn chảy qua, gồm: Sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Trữ lượng nước ngầm có thể khai thác tại các lưu vực sông vào khoảng 4,2 triệu m3/ngày. Hệ thống sông ngòi của tỉnh có vai trò rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục đích sử dụng khác.

Tuy nhiên, thời gian qua nhận thức, ý thức bảo vệ, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Cộng thêm dân số tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu theo kịch bản khắc nghiệt. Ngoài ra, các công trình xây dựng gia tăng nhanh, công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ngành chăn nuôi theo hướng thị trường… đã tạo ra một lượng chất thải, nước thải, khí thải vô cùng lớn. Đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái, làm cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân về trước mắt và lâu dài.

20240314_103811_0000.png
Dân số tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu theo kịch bản khắc nghiệt... đang là mối đe dọa tới an ninh nguồn nước

Trước tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, có nguy cơ cạn kiệt, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 53/KH - UBND ngày 21/3/2023 của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó là các quyết định về phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước về quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn. Nhờ đó đến nay Tuyên Quang đã phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, cụ thể là 138 đoạn sông, suối phải lập hành lang bảo vệ.
UBND tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1/2/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, tổ chức hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch, lập hành lang bảo vệ tài nguyên nước và đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn nước tại các sông, suối, ao, hồ.

Đối với nguồn nước ngầm, tình trạng khoan giếng tự phát vẫn diễn ra. Điều này không những làm suy giảm chất lượng nước cũng như nguy cơ sụt lún đất tại các khu vực xung yếu, đồi núi, khiến cho cuộc sống của nhiều người dân vùng cao, miền núi gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt và tìm nguồn nước cho trồng trọt.
Bảo vệ tốt nguồn nước sẽ góp phần giảm nghèo hiệu quả

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang, trong 3 năm qua, Trung tâm đã xây dựng, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn ở những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng vốn đầu tư trên 187 tỷ đồng (bao gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh). Các công trình được xây dựng đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, đồng thời giải quyết và bảo vệ tốt nguồn nước tại các địa phương miền núi, vùng nông thôn. Hiện đã có hơn 13.000 hộ dân ở nông thôn, vùng núi được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Cũng theo Trung tâm, để quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn nước từ: Ao, hồ, sông, suối… nhằm cung cấp nước sạch cho người dân ở nông thôn, miền núi, trong thời gian tới Trung tâm sẽ xây dựng phương án bàn giao tài sản công trình cấp nước theo đúng quy định, rà soát xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác cho các cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.

Ông Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang), cho biết: Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác định đặc điểm hiện trạng môi trường nước của các sông, suối, hồ trên địa bàn, làm cơ sở để giám sát diễn biến chất lượng nước sông, hồ. Đồng thời tiến hành điều tra, xác định, thống kê các nguồn xả thải ô nhiễm vào nguồn nước, các nguồn tiếp nhận.

"Trên cơ sở đó, đánh giá được hiện trạng xả nước thải, biến động số lượng, tổng lượng nước thải của các đối tượng xả nước thải và đặc điểm ô nhiễm của các nguồn thải... Từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường nước sông, hồ" - ông Hiệu chia sẻ thêm.

20230608_092820.jpg
Hồ Ngòi Là 2 có dung tích 3,2 triệu m3 cung cấp nước sản xuất cho hơn 300ha của huyện Yên Sơn và TP. Tuyên Quang

Được biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cũng thường xuyên rà soát, cho ý kiến đối với các dự án có sử dụng nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc thực hiện các quy hoạch về tài nguyên nước. Đồng thời chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình hành động về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, Sở còn ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác nước trên địa bàn lập hồ sơ thủ tục tài nguyên nước theo quy định.

Ông Hiệu cho rằng: Bảo vệ tài nguyên nước đã trở thành vấn đề cấp thiết. Thực tế đã cho thấy, việc người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng địa hình đặc biệt khó khăn nếu người dân quan tâm tới việc bảo vệ và chia sẻ nguồn nước hợp lý thì nơi đó cuộc sống của người dân sẽ đầy đủ và khá giả hơn. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, cần có sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng, hệ thống chính trị. Bởi theo quy định của Luật Tài nguyên nước, mỗi cá nhân, tổ chức đều phải có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững.

Lê Tí