Xã hội

Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí

Nguyễn Thanh 15/03/2024 20:10

(TN&MT) - Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” phải trở thành cuộc vận động lớn, không mang tính nhất thời, phải được thực hiện liên tục, thường xuyên, có kiểm tra, giám sát.

Chiều 15/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 - một trong những sự kiện chính của Hội Báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”. Tham dự phiên thảo luận có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các cơ quan báo chí và đông đảm người làm báo cả nước.

dien-dan-2.jpg
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu

Một số nhà báo ảo tưởng quyền lực

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Để chấn chỉnh đạo đức nhà báo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đúng ngày Báo Chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân chính thức phát động phong trào thi đua “ Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”. Ngay sau đó, phong trào này cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của hầu hết các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trên cả nước, đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong đời sống báo chí nói chung cũng như trong hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng, bước đầu đã tạo được nhiều sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, trong năm 2023, vẫn còn một số trường hợp là nhà báo, cộng tác viên các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố tội danh “cưỡng đoạt tài sản”. Ngoài ra, vẫn còn không ít nhà báo, bất chấp những quy định về đạo đức nghề nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu view, vẫn còn hiện tượng nhiều nhà báo viết sai mà không xin lỗi, không đính chính, viết tin theo kiểu “nghe hơi”, không “mắt thấy, tai nghe”...

Cũng tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát Thanh truyền hình, Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, có không ít nhà báo “ảo tưởng” quyền lực, thường sử dụng mạng xã hội nêu lấp lửng một vấn đề gì đó để dẫn dắt, lèo lái dư luận theo chủ ý cá nhân, không đúng bản chất sự việc.

Về căn nguyên của thực trạng trên, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho rằng, một phần là do buông lòng quản lý của cơ quan báo chí, ngoài ra do ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo còn thấp, không đủ sống, áp lực chạy quảng cáo, tài trợ; đặc biệt là do thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà báo.

dien-dan-3.jpg
Lãnh đạo các cơ quan báo chí đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa là yêu cầu bắt buộc

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, để ngăn chặn, khắc phục những tồn tại trên, ngoài việc các cơ quan báo chí phải tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần yêu cầu các nhà báo tuân thủ pháp luật, Luật Báo chí, thực hiện nghiêm 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đặc biệt, cũng theo Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng rãi hơn nữa, từ đó, tạo nên những kết quả, hiệu quả thực chất hơn nữa. Tất cả các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ rằng, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” là một phong trào lớn, không mang tính nhất thời mà phải trở thành một nếp sinh hoạt cần thiết, thường xuyên, lâu dài đối với các cơ quan báo chí.

Trong đó, mỗi tòa soạn cần xây dựng các quy định, quy chế quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cạy và tính nhân văn trong từng bản tin, từng bài báo. Mỗi sản phẩm báo chí phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử vă hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số.

dien-dan-1.jpg

Tham gia thảo luận, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp Luật khẳng định: Việc xây dựng cơ quan báo chí văn hóa chính là quy luật phát triển của cơ quan báo chí; xây dựng môi trường văn hóa mới tạo ra được sáng tạo văn hóa, sản phẩm văn hóa. Đây chính là triết lý phát triển, định hướng, cảm hứng sáng tạo của cơ quan báo chí. Đây không chỉ là hình thức, mà việc các cơ quan báo chí bắt buộc phải làm vì nó gắn với sự tồn vong của chính mỗi cơ quan báo chí.

Đồng tình với nhận định trên, Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân dân hằng tháng (Báo Nhân dân) cũng cho biết: Việc xây dựng môi trường báo chí văn hóa là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay. Nếu không có tòa soạn văn hóa, không có cơ quan văn hóa thì không có nhà báo văn hóa, không có tác phẩm báo chí có hàm lượng văn hóa cao. Đấy là những gì mà bạn đọc, công chúng và đất nước cần ở những người làm báo.

Nguyễn Thanh