Xã hội

Viết tiếp giấc mơ "Rừng gọi mưa về"

Bút ký của: Việt Hải 15/03/2024 18:14

(TN&MT) - Dường như chưa cảm thấy thỏa mãn với những gì đã nghe về O Lành HEPA, tôi ngược nguồn tìm về Hà Tĩnh. Kỳ lạ, Phố Châu cách HEPA khoảng 40 phút chạy xe nhưng HEPA mưa còn Phố Châu tạnh ráo. Trong tôi lại vang lên thanh âm “Rừng gọi mưa về”.

bia-trong(1).png

Dường như chưa cảm thấy thỏa mãn với những gì đã nghe về O Lành HEPA, tôi ngược nguồn tìm về Hà Tĩnh. Kỳ lạ, Phố Châu cách HEPA khoảng 40 phút chạy xe nhưng HEPA mưa còn Phố Châu tạnh ráo. Trong tôi lại vang lên thanh âm “Rừng gọi mưa về”.

cum-2.-he-sinh-thai-dau-nguon-song-ngan-pho-trong-do-co-hepa-anh-kevin-loc.jpg
tit-1.png

Giờ thì tôi thỏa sức được mắt thấy tai nghe những gì đang diễn ra ở HEPA. Bấy lâu “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, nay hình hài một vùng thiên nhiên rộng lớn đã hiện ra trong tầm mắt. Thiên nhiên bao bọc lấy tôi, từ màu sắc, thanh âm, từng hơi thở cũng thấm đẫm hơi rừng. Ẩm ướt và mê hoặc.

HEPA, viết tắt của cụm từ “Human Ecology Practical Area” là Vùng Thực hành sinh thái nhân văn - một trong bốn địa điểm đào tạo thực hành nông nghiệp sinh thái do Trung tâm Nghiên cứu sinh thái nhân văn vùng cao (CHESH) vận hành. Từ mục tiêu phụng dưỡng thiên nhiên và hiệu quả thực tiễn vận hành, HEPA đã được UBND Tỉnh Hà tĩnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo không gian để Trung tâm CHESH thực hiện chương trình đào tạo nông nghiệp sinh thái, phục hồi hệ sinh thái rừng lưu vực đầu nguồn sông Ngàn Phố.

box-1.png
1.-o-lanh-di-tham-rung-cung-nguoi-dan-xa-son-kim-1-min.jpg
O Lành đi thăm rừng cùng người dân xã Sơn Kim 1. Ảnh: Việt Hải

HEPA là thanh xuân rực rỡ đến “điên rồ” của PhD Trần Thị Lành (O Lành) mà “Rừng gọi mưa về” đã từng phản ánh. Những năm tháng ấy, vừa lao vào công việc vừa nghiền ngẫm thiên nhiên đã manh nha hình thành trong “người phụ nữ điên” ý tưởng phải viết một cái gì đó về bảo tồn đa dạng sinh học theo nguyên lý phụng dưỡng thiên nhiên gắn với các yếu tố bản địa làm cơ sở cho chương trình đào tạo nông nghiệp sinh thái. Triết lý của chương trình dựa trên phương thức canh tác truyền thống và phong tục cúng rừng của các tộc người trong lưu vực Sông Mekong đã được Trung tâm Nghiên cứu sinh thái nhân văn vùng cao nghiên cứu từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Năm 2002, Luận chứng “Bảo tồn đa dạng sinh học đầu nguồn sông Ngàn Phố dựa vào tri thức tộc người” của PhD Trần Thị Lành được xây dựng và đệ trình tới các sở chuyên ngành.

Bản luận chứng đề cập tới 9 chức năng trong công tác bảo tồn. Trong đó, tác giả Trần Thị Lành nhấn mạnh mục tiêu: Hoàn phục lại sức khỏe tầng canh tác trên toàn bộ hệ sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng thuộc ranh giới HEPA với tổng diện tích 529,9ha bằng các loài cây bản địa và tri thức địa phương vùng thượng Hương Sơn. Bởi nơi đây vốn là một vùng hoang tàn sau nương rẫy; rừng đã bị khai thác kiệt theo kế hoạch tái thiết đất nước do hậu quả chiến tranh và tình trạng phá rừng ngoài pháp luật.

cum-2.-rung-hepa-nhin-tu-tren-cao-1-anh-kevin-loc.jpg
Rừng HEPA nhìn từ trên cao. Ảnh: Kevin Loc

Kế đó là theo dõi và chăm sóc cơ thể hệ sinh thái đầu nguồn vùng biên giới xung yếu dựa trên phương pháp luận tự dưỡng và tôn trọng tối đa vòng tuần hoàn Sinh - Địa - Hóa của hệ. Phát huy tối đa các dòng năng lượng dương và âm của vũ trụ với hành vi phụng dưỡng, không lạm dụng và áp đặt; Quản trị dòng năng lượng Mặt trời, Nước và Gió trên nguyên lý đặc thù địa hình và tính đa dạng của hệ.

z5245702690275_3fdd9c45aa429cb1d7c73fc37ba029b5.jpg
Đoàn công tác Báo TN&MT và các cơ quan tham quan trải nghiệm tại HEPA. Ảnh: Việt Hùng
img_1710574911349_1710575330799.jpg
O Lành hướng dẫn các thành viên đoàn công tác tìm hiểu về công tác bảo tồn phát triển rừng tại HEPA. Ảnh: Việt Hùng

Luận chứng cũng đưa ra phương pháp dạy bằng cách học, học bằng cách thực hành trên lát cắt địa hình theo các hướng năng lượng Đông - Tây - Nam - Bắc. Trong đó, các già làng từ các bản về dạy thực hành trong rừng sẽ là các giáo sư gia truyền. Con em trong làng được già làng lựa chọn kế cận theo phong tục, được sự đồng thuận, xác thực của chính quyền, được đào tạo để trở thành những nông dân sinh thái chuyên nghiệp.

PhD Trần Thị Lành (O Lành)

Giáo trình nông nghiệp sinh thái là chính các khu vườn do các già làng và các con em cùng nhận diện, hiểu, biết, thực hành trực tiếp, tổng kết, đánh giá và tiếp tục trở về làng thực hành trên trang trại đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Do chính quyền chỉ đạo Trung tâm CHESH phối hợp hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp và kinh phí giao đất giao rừng). Đào tạo nâng cao cho những nông dân sinh thái này trở thành lãnh đạo kế cận của cộng đồng.

tit-2.png

Hai mươi mốt năm gắn bó với rừng, giờ đây, “người phụ nữ điên” đã sở hữu một “cơ ngơi” đồ sộ và giàu có nhưng… gửi gắm hết ở thiên nhiên. Nhớ lại những ngày đầu nhận đất, từ một vùng trắng cây, đất đai nham nhở, lâm tặc săn gỗ và săn thú ngang nhiên vứt bỏ cả bao ni lông to đựng xác thú vật ở cửa rừng, O Lành không khỏi rưng rưng khi đất đai đã không phụ lòng người, rừng đã không phụ lòng người. Những con số đã nói lên tất cả. Hai thập kỷ ấy, HEPA đã chuyển hóa 95% diện tích từ rừng nghèo kiệt theo đánh giá năm 2002, trở thành 94% rừng giàu năm 2021; Phát triển hệ thống vườn ươm cây bản địa từ HEPA nhân ra các bản làng vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với hơn 80 vạn cây giống bản địa cung cấp cho các cộng đồng sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do Viện SPERI hỗ trợ phương pháp luận và kinh phí giao đất giao rừng theo Luật Đất đai số 13/2003, Luật Đất đai số 45/2013 và Nghị định 163/1999 của Chính phủ).

box-2.png

Mỗi ngày đi qua ở HEPA là thêm một ngày rừng sinh sôi. Hai mươi mốt năm, từ rất hiếm hoi và hầu như vắng bóng các loài động thực vật, tới 2023, đã thấy lại kỳ đà, chồn bay, sóc, khỉ, gà, lợn, rùa, rắn hổ mang, cua, ốc và các loài quý hiếm… về trú ngụ tại Ngôi rừng HEPA. Cũng trên 50 loài chim đã về HEPA làm tổ.

cum-2.-he-sinh-thai-dau-nguon-song-ngan-pho-2-anh-kevin-loc.jpg
Hệ sinh thái đầu nguồn sông Ngàn Phố 2. Ảnh: Kevin Loc

Cũng hai mươi mốt năm ấy, “người phụ nữ điên” cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên HEPA đã nỗ lực tái hiện lại những khu rừng lim xanh, dổi xanh, vàng tâm, trâm đỏ, de hương và hơn 500 loài cây thuốc nam có giá trị tại các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt trong rừng. HEPA giờ đây đang được xem là một khu dự trữ các loài dược liệu thân gỗ, dây leo có nguy cơ tuyệt chủng.

Có rừng là có nước, nguồn nước từ rừng đã rào rạt chảy về sông Rào An, đủ cung cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ nguồn. Dòng chảy dồi dào ấy là sinh cảnh của hàng trăm loài động vật thủy sinh, là nguồn sinh kế của người dân dọc hai bên sông từ thượng nguồn tới hạ nguồn và ven các dòng chảy nhỏ.

cum-2.-co-rung-la-co-nuoc.-suoi-rao-an-chay-qua-dia-phan-hepa.-anh-kevin-loc.jpg
Suối Rào An chảy qua địa phận HEPA. Ảnh: Kevin Loc

Và, nhìn rộng dài tới tương lai, khu sinh quyển tự nhiên với trữ lượng carbon tính theo phần mềm ảnh vệ tinh 194,6/tấn/ha và theo công nghệ đo thủ công trên ô tiêu chuẩn trung bình từ 100 tấn - 167 tấn/1ha sẽ là một kho báu, cùng các cánh rừng giàu trên cả nước chung tay góp phần để Việt Nam tự tin bước vào cuộc đua tín chỉ carbon trên toàn thế giới.

box-3.png
tit-3.png

Trong hành trình phụng dưỡng thiên nhiên và làm giàu những cánh rừng, HEPA đã xây dựng được một hệ thống vệ tinh các bản, làng, buôn, sóc; đánh giá lại toàn bộ diện tích rừng và đất rừng đã giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới các buôn làng vùng núi cao các tỉnh Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với diện tích 100.000ha. Trong đó, lưu vực đầu nguồn Hương Sơn đã giao 7.500ha cho các hộ dân thuộc xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 để củng cố lại các biến động ranh giới, biến động về quy hoạch sử dụng cũng như thay đổi thành phần loài (động vật, thực vật, đa dạng sinh học); Thay đổi phương thức canh tác ở các vùng rừng phòng hộ xung yếu đã được Trung tâm CHESH và Viện SPERI phối hợp với chính quyền địa phương giao thành công tại Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, vùng đệm Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), 3 xã thuộc huyện Kon Plong (Kon Tum), 1 xã thuộc huyện Chupar (Gia Lai), 1 một xã thuộc huyện Sa Thầy (Kon Tum) và 39.000 ha rừng đầu nguồn cùng đất rẫy truyền thống của 3 lưu vực Kuang Xy, Tát Xế và Nậm Bạc (Luang Prabang - Lào) trong chương trình Hợp tác với các đối tác cùng quan tâm.

cum-3.-o-lanh-va-doan-can-bo-bao-tn-mt-tham-rung-anh-kevin-loc.jpg
O Lành và Đoàn cán bộ Báo TN&MT thăm rừng. Ảnh: Kevin Loc
cum-4.-nu-cuoi-can-bo-xa-di-tham-rung-ve.-anh-viet-hung.jpg
Nụ cười của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1, Trưởng mạng lưới nông dân nòng cốt của Khu bảo tồn Trần Quốc Việt (bên trái) và đại diện doanh nghiệp sau chuyến đi thăm rừng. Ảnh: Việt Hùng
img_1710575113698_1710575334098.jpg
O Lành và các thành viên đoàn công tác tại rừng HEPA. Ảnh: Việt Hùng

Đáp ứng yêu cầu quản trị rừng thời kỳ 4.0, chương trình hợp tác đào tạo tại HEPA đã chú trọng nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ GIS và GPS cho mạng lưới các doanh nhân cộng đồng, kế cận trẻ thông qua chiến lược trao đổi thông tin và đào tạo trực tiếp, trực tuyến; Thực hành kỹ năng tiếp cận các bước SMART về ranh giới pháp lý quyền sử dụng đất cộng đồng; Phân loại Rừng - Rẫy - Ruộng trong bộ hồ sơ pháp lý quyền sử dụng đất cộng đồng; Định vị các loài cây mẹ và địa danh thiêng cộng đồng; Kiểm đếm và kiểm toán Rừng - Rẫy - Ruộng trong ranh giới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đo trữ lượng carbon với hai phương pháp: Công nghệ ảnh và ô tiêu chuẩn.

HEPA cũng đã hợp tác với các công ty phần mềm IT xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đối với 139.000ha rừng đã giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do CHESH và SPERI thực hiện giao theo Luật) trên gần 300 bản làng Việt - Lào, giúp cho doanh nhân, cộng đồng tại các làng tự tin, tự chủ, quyết định và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế - xã hội - môi trường không lạm dụng tới hệ sinh thái, nơi nhạy cảm và dễ tổn thương ở các lưu vực phòng hộ đầu nguồn của hai quốc gia lưu vực Mekong.

cum-3.-toa-dam-truyen-thong-ve-dong-quan-tri-rung-dau-nguon-song-ngan-pho.-anh-viet-hung.jpg
Tọa đàm truyền thông về đồng quản trị rừng đầu nguồn sông Ngàn Phố. Ảnh: Việt Hùng

Hai mươi mốt năm bền bỉ nuôi dưỡng triết lý phụng dưỡng thiên nhiên và xây dựng phương thức đồng quản trị rừng theo mô hình Rừng - Rẫy - Ruộng, HEPA không chỉ là trường thực hành của Viện Sinh thái; triết lý và mô hình của HEPA không chỉ áp dụng cho khu vực miền Trung nói riêng và vươn ra các địa phương trên cả nước nói chung, HEPA còn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của một số quốc gia lân cận như Lào, hay xa hơn là Myanma, Thái Lan… Trong nhật ký thực hành của HEPA mỗi ngày lại dày thêm những chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức và các đoàn công tác từ các đất nước anh em. “Về với HEPA là về với hạnh phúc, bình yên” là cảm xúc của ƠLoi - một nông dân đã từng có chuyến trải nghiệm tham quan, học tập ở đây. Và rất nhiều những dòng cảm xúc, nhắn nhủ, hẹn hò: “Tình yêu thiên nhiên và tinh thần phụng dưỡng thiên nhiên nối gần khoảng cách và xóa nhòa ranh giới, điều này đang hiển hiện tại HEPA”; “Chúng tôi sẽ trở lại”; “Chúng tôi sẽ mang tinh thần phụng dưỡng thiên nhiên và phương thức quản trị rừng của HEPA về áp dụng tại địa phương mình”…

bo-ka(1).png
box-4.png
tit-4.png

Người dân Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) không để lại dòng lưu bút nào trong nhật ký của HEPA, nhưng dấu chân HEPA và tinh thần HEPA đã và đang thấm đẫm trong từng dòng suối, gốc cây, ngọn cỏ và tinh thần của người dân, các chủ rừng. Khu thực hành sinh thái HEPA là một phần trong hệ sinh thái Sơn Kim. Nói như O Lành, nếu xem hệ thống rừng đầu nguồn vùng Hương Sơn (Hà Tĩnh) là một cơ thể lớn thì hệ thống rừng Sơn Kim là một cơ thể trong cơ thể mà HEPA chính là một phần trong cơ thể ấy. HEPA phải có trách nhiệm làm cho những cánh rừng Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 giàu có hơn, vươn rộng vươn dài ra mãi.

box-co-lanh.png

Chúng tôi đã đi sâu vào những cánh rừng trên địa bàn xã Sơn Kim 1 để chứng kiến sự hồi sinh mãnh liệt so với những gì báo chí, truyền thông thông tin cách đây hơn 20 năm. Trên những diện tích rừng nghèo kiệt và bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình khai thác ồ ạt trước đây, những thân cổ thụ giờ đây đã gần đẫy vòng ôm, từng tán rừng tầng cao, tầng thấp, tầng trung và lớp thực bì đã phủ lên không gian, đất đai một màu xanh. Tầng cao và sâu bên trong rừng là vùng lõi với các giống cây bản địa khỏe mạnh và quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt. Tầng trung là rẫy trồng cây ngắn ngày. Tầng thấp là ruộng hoa màu và nuôi ong. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên cao sẽ vừa tự sinh tự dưỡng, vừa đưa chất dinh dưỡng xuống vùng rẫy và ruộng phía dưới. Từng phân khu sẽ có các chức năng tạo nguồn sinh thủy, trữ nước cho đất, cấp nước phục vụ đời sống và sản xuất.

cum-4.-o-lanh-hanh-phuc-trong-vong-tay-cua-ba-dao-chu-nhan-cua-nhung-canh-rung-o-son-kim-1.-anh-viet-hai.jpg
O Lành hạnh phúc trong vòng tay của bà Trần Thị Đào - chủ nhân của những cánh rừng ở Sơn Kim 1. Ảnh: Việt Hải

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch xã Sơn Kim 1 Nguyễn Thị An cho biết: Nhiều chủ rừng ở Sơn Kim là con em của cán bộ Lâm trường Hương Sơn nên trong họ đã sẵn tố chất yêu rừng. Cộng thêm tinh thần phụng dưỡng thiên nhiên và mô hình quản trị Rừng - Rẫy - Ruộng của HEPA nên những cánh rừng ở Sơn Kim ngày càng phát triển và giàu có. Nhờ được bảo vệ tốt, đến nay, hệ sinh thái rừng ở Sơn Kim 1 đã trở thành cơ thể khỏe mạnh với quần thể cây gỗ lớn nhỏ, cổ thụ khác nhau. Bên cạnh quản lý, bảo vệ rừng, người dân Sơn Kim 1 thường xuyên trồng dặm cây con bản địa các loại như lim, cồng, ràng ràng, de, sa nhân… Sơn Kim 1 cũng đã thành lập Chi hội bảo vệ rừng bền vững, phối hợp lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thay phiên tuần tra, canh gác rừng, hỗ trợ xử lý lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Ngoài tuần tra phần rừng của gia đình, mỗi tuần, các thành viên Chi hội còn dành thời gian cùng lực lượng chức năng kiểm tra rừng theo đường biên, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả trồng dặm cây bản địa để tăng độ che phủ của rừng.

Phó Chủ tịch xã Sơn Kim 1 Nguyễn Thị An trao đổi với phóng viên Báo TN&MT

Trên diện tích gần 30ha rừng do gia đình làm chủ, ông Trần Ngọc Lâm và bà Trần Thị Đào (xã Sơn Kim 1) đã mang tinh thần phụng dưỡng thiên nhiên và áp dụng mô hình Rừng - Rẫy - Ruộng vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nói về vùng rừng được gia đình bảo vệ nghiêm ngặt, bà Đào chia sẻ: “Vùng đó là nơi thần rừng trú ngụ nên chúng tôi dù chết đói cũng không “ăn” gỗ rừng.

cum-4.-nguoi-dan-son-kim-1-phan-loai-rac-huong-toi-trien-khai-trong-chuong-trinh-du-lich-khong-tui-ni-long.-anh-viet-hai.jpg
Người dân Sơn Kim 1 phân loại rác, hướng tới triển khai trong chương trình du lịch không túi ni lông. Ảnh: Việt Hải

Chúng tôi cũng được biết đến việc làm giàu từ tín chỉ carbon rừng và chính quyền địa phương cùng với O Lành HEPA sẽ là người làm cầu nối giúp chúng tôi nên việc của chúng tôi là cứ yên tâm giữ rừng thật tốt. Các hộ gia đình ở đây đều sống khỏe từ nguồn thu nhập do khai thác cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong và khai thác ở phần rẫy trồng cây sản xuất, trồng hoa màu ở phần ruộng. Chúng tôi hạnh phúc khi được là chủ nhân của những cánh rừng. Với chúng tôi, rừng là nhà, nhà là khách sạn”.

Bà Trần Thị Đào - chủ nhân của những cánh rừng ở Sơn Kim 1 trao đổi với phóng viên Báo TN&MT

Có một xã nông thôn mới Sơn Kim 1 đẹp như tranh vẽ, nhà cửa khang trang, lòng người chộn rộn niềm vui. Tới đây, Sơn Kim 1 chuẩn bị phát triển mô hình du lịch sinh thái không túi nilông. “Đó cũng là cách chúng tôi lan toả tinh thần phụng dưỡng thiên nhiên của O Lành và mô hình quản trị Rừng - Rẫy - Ruộng của HEPA tới đông đảo người dân, du khách để những phiên bản của HEPA nhân rộng” - Phó Chủ tịch xã Sơn Kim 1 Nguyễn Thị An chia sẻ.

cum-4.-con-duong-xa-nong-thon-moi-son-kim-1-dep-nhu-tranh-ve.-anh-viet-hung.jpg
Con đường xã nông thôn mới Sơn Kim 1 đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Việt Hùng

Rồi đây, không chỉ có một HEPA mà có rất nhiều phiên bản HEPA, không chỉ có 1 Sơn Kim 1 mà có rất nhiều những Sơn Kim 1. HEPA đang để lại những dấu chân ngọt ngào trên những cánh rừng nơi O lành đi qua, nơi các nông dân sinh thái của HEPA được đào tạo, trở về phụng dưỡng thiên nhiên, xây dựng phương thức đồng quản trị và áp dụng mô hình Rừng - Rẫy - Ruộng. Tôi đứng giữa những khu rừng tầng tầng xanh, nghe thanh âm hạnh phúc trào dâng trong tiếng cười của bọ Ka, bọ Bính, ông Lâm, bà Đào, bà An, ông Duẩn, ông Việt… ngắm ánh mắt rạng rỡ hạnh phúc của em Vìn, cháu Huệ, bé Bum - những lứa trẻ đã lựa chọn chia tay đồng bằng, thành phố về gắn bó với rừng, tôi vui vì giấc mơ “Rừng gọi mưa về” đang được O Lành và HEPA cùng những người dân và các thế hệ viết tiếp chương mới.

credit.png

Bút ký của: Việt Hải