Quảng Nam: Bảo vệ đa dạng sinh học để nâng cao giá trị du lịch sinh thái
Quần thể voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đang phát triển tốt trong nỗ lực gắn liền giữa phát triển sinh kế bền vững và sử dụng hợp lý tài nguyên thông qua mô hình du lịch cộng đồng của địa phương.
Cơ hội phát triển du lịch cộng đồng
Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam. Ở xã Tam Mỹ Tây hiện có 69 cá thể voọc, đang sinh sống trên diện tích 30 ha rừng tự nhiên tại 4 khu vực núi thuộc thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn (theo kết quả khảo sát của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - GreenViet tháng 9/2022).
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, đàn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây là quần thể hiếm hoi trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên. Vì thế, tỉnh Quảng Nam có cơ hội lớn để bảo tồn và phục vụ cho sự phát triển bền vững thông qua mô hình du lịch sinh thái, giá trị văn hóa địa phương.
Hiện nay, người dân xã Tam Mỹ Tây đang có sự hỗ trợ của dự án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây” do Mạng lưới các tổ chức Văn hóa Châu Âu (EUNIC) và Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ thông qua Trung tâm GreenViet. Mục tiêu chính của dự án là góp phần bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám, phát triển sinh kế và sử dụng hợp lý tài nguyên thông qua du lịch cộng đồng ở xã Tam Mỹ Tây.
Lân cận khu vực này có danh thắng Hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ. Các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch nhận định, với “điểm nhấn” là loài chà vá chân xám, khu vực này sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng và thúc đẩy kết nối chuỗi điểm đến đặc sắc.
Phía GreenViet đang tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ để giúp cộng đồng tại xã Tam Mỹ Tây thành lập và vận hành các mô hình du lịch đầu tiên. Một "Quy chế du lịch cộng đồng" sẽ được xây dựng, làm cơ sở cho việc thành lập và vận hành du lịch cộng đồng tại đây. Sau đó, du lịch Tam Mỹ Tây sẽ được quảng bá và giới thiệu đến du khách thông qua các nền tảng số.
“Quan điểm của Green Việt là bảo vệ voọc tại chỗ bằng cách trồng rừng trở lại, ưu tiên những loại cây trồng là thức ăn của voọc. Với đặc thù của Tam Mỹ, có thể phát triển du lịch sinh thái, xây dựng các tour ngắm voọc, tắm suối như ở bán đảo Sơn Trà nhằm nâng cao ý thức bảo vệ đàn Voọc và tạo sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ rừng”- ông Nguyễn Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet cho biết.
Phát triển hài hòa với bảo tồn
Theo ông Phan Đình Dung – Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, thời gian qua với sự hỗ trợ của Trung tâm Green Việt, đàn voọc chà vá đã được bảo vệ nghiêm ngặt với tổng đàn hiện có khoảng 69 con. So với kết quả nghiên cứu của Green Việt năm 2018, số lượng cá thể voọc chà vá chân xám tăng lên khoảng 10 cá thể và 2 gia đình. Từ khi hiểu được tầm quan trọng của đàn voọc chà vá, người dân có ý thức tốt và nhiều người tự nguyện tham gia hoạt động bảo tồn thông qua các tổ nhóm như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, nhóm giáo viên - học sinh, nhóm tuần tra thôn.
Địa phương lại có nhiều khu rừng còn hoang sơ, các trang trại, nhà vườn trồng cây ăn trái và nhân dân có nghề truyền thống làm bánh, làm hương, các loại hình văn nghệ truyền thống như bài chòi, hát tuồng, cải lương… là những lợi thế để thu hút khách du lịch.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, với tâm huyết bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ thế giới ở mức cực kỳ nguy cấp (CR), UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các chuyên gia đa dạng sinh học và các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn loài voọc từ năm 2018.
Để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân Tam Mỹ Tây và phát triển bền vững mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng, các giải pháp về phát triển sinh kế hiện đang được quan tâm thúc đẩy. Trong đó, du lịch dựa vào cộng đồng là giải pháp đầy tiềm năng. Nhằm mở rộng sinh cảnh sống cho quần thể voọc, UBND tỉnh Quảng Nam có kế hoạch thu hồi, đền bù 30 ha đất trồng keo của người dân xung quanh khu vực núi mà voọc đang sinh sống.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương ý thức được rằng nếu không có những giải pháp, phương án kịp thời thì quần thể voọc sẽ bị suy giảm vì xung quanh khu vực này đang có sự phát triển công nghiệp, giao thông. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh khoanh định khu vực trong phạm vi các hòn núi mà quần thể voọc này sinh sống. Địa phương đã tính đến phương án mua lại 30 ha rừng đang là nương rẫy của người dân nhằm đảm bảo có tối thiểu có 60 ha sinh cảnh sống cho đàn voọc. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi kinh phí lớn.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo theo hướng nghiên cứu đưa khu vực này trở thành làng du lịch cộng đồng gắn với thiên nhiên, có nghĩa là vận động người dân tham gia cùng với địa phương để tổ chức hoạt động du lịch gắn với bảo vệ quần thể voọc, duy trì đảm bảo sinh kế cho người dân. Chuyển đổi một số loài cây như cây keo hiện nay sang các loại cây trồng khác là thức ăn của voọc tạo môi trường - nguồn sống cho quần thể voọc.
Hiện nay, đề án này đang được Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên xây dựng, nghiên cứu, đảm bảo mục tiêu là bảo vệ đàn voọc, các thảm thực vật cùng hệ sinh thái tại địa phương và tạo sinh kế bền vững cho người dân” – ông Thanh cho biết.