Tây Ninh: Đưa nước sạch về nông thôn
(TN&MT) - Nhằm nâng cao đời sống cho người dân, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều chương trình, dự án cung cấp nước sạch giúp người dân nông thôn, người nghèo, cận nghèo có nước sinh hoạt, sản xuất và vươn lên thoát nghèo.
Đời sống khởi sắc
Những năm qua, việc đưa nước sạch đến với người dân- nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Tây Ninh quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp, nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa- nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình cũng đã tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận với nước sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh. Nhờ đó, tỷ lệ người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ngày càng được nâng lên.
Trước đây, người dân ở xã biên giới Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng) chỉ phụ thuộc vào nguồn nước giếng, nước ao. Theo đó, người có tiền thì khoan giếng, nhưng nước bị nhiễm phèn, vàng đục. Những hộ không có điều kiện phải chịu cảnh dùng nước ao tù. Dù biết là mất vệ sinh nhưng họ cũng không còn cách nào khác. Để giúp người dân có nước sạch dùng cho sinh hoạt, địa phương đã tích cực huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân.
Bà Võ Thị Tình - ở ấp Phước Hưng (xã Phước Chỉ) cho biết, trước đây để có nước phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, gia đình bà phải thay phiên nhau đi qua xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ (Long An) mua nước của người dân mang về dùng. Mỗi ngày, cũng phải đi từ 2-3 lượt, mỗi lượt chở hai can nước 30l. Từ ngày ấp có trạm nước sạch, gia đình bà không còn tốn công, tốn thời gian đi xa mua nước nữa. Cũng nhờ đó, kinh tế của gia đình bà cũng khởi sắc.
Cũng như người dân tại xã Phước Chỉ, nhiều năm qua người dân tại xã Tân Hòa (huyện Tân Châu) cũng khao khát nước sạch. Do địa hình khu vực xã Tân Hòa là khu vực đá vôi nên việc đào giếng sử dụng nguồn nước ngầm nhiễm phèn rất nặng, khó xử lý dù đã dùng nhiều cách. Trước đây, tỉnh có đầu tư hệ thống cấp nước cầu Sài Gòn 2 tại ấp Cây Cầy nhưng công suất thiết kế thấp. Do đó, vào mùa khô lượng nước của trạm cấp nước Cây Cầy không cung cấp đủ nhu cầu sử dụng của người dân, chất lượng không bảo đảm.
Chính vì thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt nên người dân tại địa phương vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, vì vào mùa khô phải mua nước sạch về dùng. Giá nước sạch được một số người vận chuyển đến bán từ 60.000 đồng – 80.000 đồng/m3. Người dân vốn làm nông đã khó khăn, vào mùa khô lại phải bỏ tiền không ít để mua nước sạch sinh hoạt sử dụng nhưng chỉ dùng vào việc nấu ăn, uống. Gia đình nào có điều kiện mới mua thêm nước để sinh hoạt chung cho cả gia đình.
Trước nhu cầu của người dân, năm 2020 UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước cầu Sài Gòn 2, với quy mô dự án là xây dựng trạm cấp nước sạch cạnh bờ hồ Dầu Tiếng tại ấp Cây Khế (xã Tân Hoà), công suất thiết kế 100m3/giờ. Người dân vô cùng vui mừng vì nguồn nước sạch đã về với từng hộ gia đình, không còn cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nữa.
Nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ
Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 79 công trình cấp nước. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,6%, trong đó, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 68%, tại các xã nông thôn mới bảo đảm đạt từ 65% trở lên.
Thực hiện chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của UBND tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố cũng đã hỗ trợ lắp đặt 6.452 hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, đạt 40,75% so với mục tiêu đề ra. Việc hỗ trợ này giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh.
Ngoài ra, để bảo đảm cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028, ngày 12/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4064/KH-UBND. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72% và giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các công trình cấp nước nông thôn còn 15%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có.
Trong đó, chú trọng nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Xây dựng, triển khai thí điểm một số mô hình thu gom, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình; mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước…
Về phía Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về BVMT, đảm bảo thống nhất trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên toàn tỉnh và các đơn vị có nguồn thải vào lưu vực sông; yêu cầu chủ nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 500 m3/ngày, đêm trở lên phải thực hiện lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định trước ngày 31/12/2024 và truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Quá thời hạn nêu trên nếu chủ tài khoản nào không thực hiện sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Đặc biệt, Sở TN&MT sẽ tăng cường thực hiện kế hoạch BVMT nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh vào mùa khô, đầu mùa mưa hàng năm; đẩy mạnh khảo sát, giám sát môi trường khu vực giáp biên giới Campuchia; phối hợp với đơn vị chức năng xử lý cây lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng tiếp tục triển khai nhiệm vụ về BVMT, thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, quan trắc thành phần môi trường đất, nước, không khí. Tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo công tác BVMT gắn với an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân…