Sơn La đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng CSDL đất đai
(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện, đề xuất nhu cầu hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai và Đề án nông lâm trường.
Trong giai đoạn 2008-2023, Sơn La đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL đất đai. Đã lập, điều chỉnh Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, CSDL quản lý đất đai tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy 57/204 xã với diện tích trên 91.000ha, đạt 19,1% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Như vậy, diện tích đã đo lập bản đồ địa chính chính quy trên địa bàn tỉnh rất thấp, mới chỉ đạt 6,5% so với tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.
Về kết quả xây dựng CSDL đất đai, đã triển khai tại 8/12 huyện, thành phố. Trong đó, 6/8 huyện thực hiện theo Dự án tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai vay vốn ngân hàng Thế giới (VILG); 3/8 huyện, thành phố thực hiện theo Dự án tổng thể (huyện Mai Sơn có 14/22 xã thực hiện Dự án VILG, 8/22 xã, thị trấn thực hiện Dự án tổng thể).
Còn 4/12 huyện chưa được đầu tư xây dựng CSDL đất đai gồm: Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sốp Cộp. Hiện nay, tỉnh Sơn La đang vận hành CSDL đất đai của 11/12 huyện, thành phố trên phần mềm VBDLIS (riêng Huyện Mường La vẫn sử dụng phần mềm Vilis).
Đối với đề án quản lý đất nông lâm trường, năm 2013, Sơn La đã đo đạc, xác định, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc khoanh bao tỷ lệ 1/10.000, lập hồ sơ địa chính phục vụ cấp giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp.
Song, kết quả đo đạc chỉ đo khoanh bao tỷ lệ 1/10.000, chưa rà soát, xác định từng loại đất chi tiết; khi rà soát bàn giao về cho địa phương chưa bàn giao hết các loại đất theo quy định; không phản ánh đúng hiện trạng, không tách được các loại đất khác như đất sản xuất nông nghiệp, đất ở xen kẽ của các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi diện tích đất đã giao cho các tổ chức, nên các hộ dân đã tự trồng trọt, canh tác, lấn, chiếm của các nông, lâm trường.
Đối với đất bàn giao về cho địa phương, 5/8 huyện đã lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai 7/11 thiết kế kỹ thuật – dự toán, nhưng còn thiếu hạng mục xây dựng CSDL đất đai. Còn 3 huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, và một phần diện tích của Vân Hồ chưa lập thiết kế kỹ thuật – dự toán đo đạc, đăng ký cấp GCNQSDĐ, xây dựng CSDL đất đai.
Theo phạm vi của Đề án quản lý đất nông lâm trường đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sơn La cần thực hiện điều chỉnh 7 thiết kế kỹ thuật – dự toán của 5 huyện đã phê duyệt (bổ sung hạng mục xây dựng CSDL đất đai); lập mới 4 thiết kế kỹ thuật – dự toán với phần đất bàn giao về cho địa phương;
9 thiết kế kỹ thuật – dự toán về xác định ranh giới, cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới; đo vẽ bản đồ địa chính; cấp GCN; xây dựng CSDL địa chính của các Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên đang quản lý, sử dụng chưa được lập, thẩm định và phê duyệt.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hàng năm, Sơn La đã cân đối, bố trí 10% nguồn thu từ đất để thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng CSDL đất đai. Tuy nhiên, nguồn thu từ đất rất hạn chế, là tỉnh miền núi khó khăn nên số thu từ đất còn phải cân đối để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.
Do vậy, hiện nay, nguồn kinh phí để bố trí thực hiện Dự án tổng thể và Đề án nông, lâm trường là rất khó khăn. Trong khi, các nông trường nằm trên các địa bàn phức tạp và là khu vực đô thị, du lịch (Mộc Châu, Mai Sơn...) cần thiết phải triển khai ngay công tác đo đạc địa chính, xây dựng CSDL với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường để sớm giải quyết các vướng mắc tồn tại có liên quan.
Trên cơ sở đó, tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ hỗ trợ năm 2024 từ ngân sách Trung ương cho tỉnh để triển khai Dự án tổng thể và Đề án nông, lâm trường trên địa bàn với tổng kinh phí trên 339 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đề nghị hỗ trợ với Dự án tổng thể là hơn 239 tỷ đồng; kinh phí đề nghị hỗ trợ Đề án nông lâm trường là 100 tỷ đồng.