Tài nguyên

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách ngành khai khoáng

Mai Đan 13/03/2024 - 18:10

(TN&MT) - Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, ngày 13/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách khai khoáng.

Ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và bà Cecilia Brennan, Tham tán Đại sứ quán Australia tại Hà Nội chủ trì Hội thảo.

_mg_2246.jpg
Từ trái qua, ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và bà Cecilia Brennan, Tham tán Đại sứ quán Australia tại Hà Nội chủ trì Hội thảo

Diễn ra vào đúng dịp Việt Nam và Australia vừa nâng cấp quan hệ trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, qua đó góp phần hoàn thiện dự án Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

_mg_1961.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quốc hội Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quốc hội Việt Nam cho biết, tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài cần phải được quản lý tập trung, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững.

_mg_2450.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại hội thảo

Theo ông, để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về địa chất, khoáng sản là nhiệm vụ quan trọng và cần được thực hiện bài bản dựa trên căn cứ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho biết, trong hơn 50 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ Australia đã hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực trong đó có xây dựng thể chế, chính sách khoáng sản. Cụ thể, năm 1996, Australia đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng dự án Luật Khoáng sản và Luật này đã được áp dụng thành công tại Việt Nam trong hàng chục năm qua.

_mg_1985.jpg
Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Theo ông Andrew Goledzinowski, Australia và Việt Nam đều là những quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, tuy nhiên các công ty khai khoáng thường phải giải quyết nhiều vấn đề rủi ro, nhất là rủi ro trong môi trường pháp lý. Do vậy, Việt Nam cần hướng tới môi trường cạnh tranh nhiều hơn, môi trường đầu tư hấp dẫn hơn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

“Trong thời gian tới, Australia sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực quản trị tài nguyên khoáng sản cũng như hoàn thiện thể chế chính sách, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam nhấn mạnh.

_mg_2095.jpg
Ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam nêu tổng quan về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Nêu tổng quan về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Nội dung dự thảo Luật hiện có 12 chương và 117 điều, trong đó có 10 điểm nổi bật như: Phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển.

_mg_2486.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Ngoài ra, cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấm kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; bổ sung chế biến khoáng sản.

_mg_2115.jpg
_mg_2139.jpg
_mg_2160.jpg
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi một số vấn đề liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư và hoạt động khoáng sản tại Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về khoáng sản để bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật và các vấn đề liên quan.

_mg_2032.jpg
_mg_2025.jpg
Các đại biểu chia sẻ bên lề hội thảo

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá cao việc các đại biểu đã đóng góp ý kiến rất sôi nổi, với nội dung phong phú như: cấp giấy phép khai thác khoáng sản; quy định về tài nguyên, trữ lượng khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; những ví dụ cụ thể như tổng quan về dự án niken tại Việt Nam; những thách thức pháp lý trong đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ ở các giai đoạn khác nhau trong các khu vực có pháp lý khác nhau; đặc biệt vấn đề thời sự nóng bỏng như báo cáo kết quả quản lý bền vững cát ở đồng bằng sông Cửu Long…

Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của đại biểu về những vấn đề trọng tâm, nổi bật của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn thông tin quý giá để Bộ TN&MT nghiên cứu, tiếp thu, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật chất lượng, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu về quản lý, thực hiện các hoạt động địa chất và khoáng sản của đất nước hiện nay.

Mai Đan