Bến Tre: Tập trung ứng phó với hạn, mặn
(TN&MT) - Những ngày vừa qua, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp khi nguồn nước mặn lấn sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Hiện tại, chính quyền địa phương và người dân tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Xâm nhập mặn tăng cao
Theo ngành chức năng của tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trên địa bàn tỉnh đạt mức cao. Cụ thể, hiện tại, độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 52 - 64km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70 - 76km. Mùa khô năm nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, ở mức xấp xỉ mùa khô đầu năm 2016, riêng trên sông Cổ Chiên ở mức cao hơn mùa khô đầu năm 2016 nhưng thấp hơn mùa khô đầu năm 2020.
Về sản xuất nông nghiệp, hiện tại, các địa phương ở Bến Tre xuống giống lúa vụ 3 khoảng 7.730 ha, ước năng suất 60 tạ/ha, sản lượng 30.000 tấn; diện tích trồng dừa 79.078 ha, sản lượng 183 triệu trái; cây ăn trái diện tích 23.992 ha, sản lượng 88.310 tấn. Đến thời điểm này, tỉnh chưa ghi nhận thông tin phản ánh về tình hình ảnh hưởng do xâm nhập mặn đến vật nuôi, cây trồng của người dân.
Đối với công tác cấp nước sạch, toàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500 m³/giờ, khoảng 250.000 m³/ngày đêm, chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Trong những ngày vừa qua, hầu hết các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh có độ mặn nước cấp lớn hơn 0,5‰ - vượt ngưỡng độ mặn cho phép theo quy chuẩn của địa phương.
Ở thời điểm này, các đơn vị cấp nước sinh hoạt trong tỉnh Bến Tre cũng đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch bơm lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý; xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước; vận hành linh hoạt các phương án cấp nước như: đắp đập tạm ngăn mặn tại các khu vực lấy nước, chuyển nước từ các nhà máy nước có nước ngọt, độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, vận chuyển nước bằng sà lan, cấp nước ngọt... theo khung giờ.
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay, việc khó khăn lớn nhất của địa phương đó là nhu cầu về đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng nguồn kinh phí phân bổ còn hạn chế. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn đang dang dở và Dự án quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn triển khai… Do đó, tỉnh Bến Tre chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt.
"Bên cạnh đó, do hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa được khép kín, nên xâm nhập mặn tăng cao, gây ảnh hưởng đến khu vực lấy nước của các nhà máy nước, dẫn đến độ mặn sau xử lý tăng cao theo diễn biến của xâm nhập mặn; đồng thời, do phạm vi cấp nước của các nhà máy rộng, dàn trải tại các khu vực nông thôn, dân cư ít tập trung dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước, lọc mặn", ông Bùi Văn Thắm thông tin thêm.
Tăng cường giải pháp ứng phó
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại vùng trọng điểm sản xuất cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái của huyện Chợ Lách, rút kinh nghiệm từ các đợt hạn mặn mùa khô trước đây, năm nay, người dân chủ động trữ nước trong các ao, bồn chứa để có nước ngọt phục vụ việc tưới tiêu. Mỗi hộ gia đình nơi đây ai cũng có máy đo độ mặn để đo trước khi bơm tưới nhằm tránh thiệt hại cho cây giống và vườn cây ăn trái.
Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Địa phương đã xây dựng kế hoạch và thông tin đến từng hộ dân để chủ động phòng chống hạn, mặn. Cụ thể, có 4 kịch bản theo độ mặn, độ bao phủ để ứng phó bằng 4 giải pháp phù hợp nếu hạn, mặn xảy ra. Hiện tại, huyện đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình và cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là. Nếu mặn kéo dài thì nguồn nước ngọt tích trữ tại chỗ cũng có khả năng bảo đảm tưới tiêu trong thời gian khoảng 2 tháng.
Trao đổi về công tác ứng phó hạn, mặn mùa khô năm nay, ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho hay: Thời gian qua, các ngành, các cấp, địa phương đã tích cực thực hiện tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như: tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trãi bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực và các biện pháp khác đảm bảo có nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.
Song song đó, UBND tỉnh Bến Tre, các huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đã ban hành kế hoạch, phương án ứng phó cũng như tổ chức chương trình phát động và tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân về thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô. Riêng ngành Nông nghiệp Bến Tre cũng đã và đang tập trung theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm nước mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng.
Trong thời gian tới, ngoài việc yêu cầu các đơn vị cấp nước, quản lý khai thác công trình thuỷ lợi có kế hoạch vận hành linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo phương án cấp nước sinh hoạt phục vụ cho người dân...; Bến Tre tiếp tục tăng cường công tác quan trắc, thông tin kịp thời về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước ngọt để phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây trồng, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nguồn nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả.
“Hiện nay, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh chưa khép kín nên xâm nhập mặn tăng cao. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư một số công trình trọng điểm, nhất là ở 2 tiểu vùng Bắc - Nam Bến Tre. Mục tiêu nhằm khép kín, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ diện tích cây ăn trái đặc sản, sản xuất cây giống - hoa kiểng trong khu vực; đồng thời, hình thành trục dẫn ngọt từ Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú để cung cấp nước phục vụ sản xuất, phục vụ các nhà máy nước nông thôn trong khu vực”, ông Bùi Văn Thắm cho hay.