Bạn đọc - Pháp luật

Bình Định: Gian nan hành trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Mỹ Thành

Thanh Tùng 13/03/2024 - 09:27

“Điểm trung chuyển rác” nằm ngay cạnh tuyến đường ven biển gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan; người dân chưa thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn; công tác vận động, tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường chưa hiệu quả… là những gì đang diễn ra tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Tháng 2/2023, tuyến đường bộ ven biển đoạn từ xã Cát Tiến, huyện Phù Cát đến xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định) với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng chính thức đưa vào sử dụng. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, đạt vận tốc 80 km/h, bố trí 4 làn xe. Nếu đi dọc tuyến đường này, người dân và du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều cảnh sắc rất đẹp của Bình Định, góp phần phát triển du lịch của địa phương.

1-1-.jpg
Điểm trung chuyển rác nằm ngay cạnh tuyến đường ven biển đẹp, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân đi qua đoạn đường này rất bức xúc với hình ảnh 1 bãi rác (theo lời lãnh đạo UBND xã Mỹ Thành là “điểm trung chuyển rác”) nằm ngay cạnh con đường. Bãi rác nằm cách cầu Đề Gi khoảng hơn 1km về phía địa phận xã Mỹ Thành. Theo ghi nhận của phóng viên vào 2 thời điểm, ngày 7/3 và ngày 11/3, bãi rác liên tục được bổ sung lượng rác mới. Các loại rác chuyển về đây được chất thành đống, gồm các loại bao bì ni lông, quần áo cũ, chai lọ, vật dụng gia đình hư hỏng… vứt bỏ lâu ngày, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

2(1).jpg
3(2).jpg
Các loại bao bì ni lông, quần áo cũ, chai lọ, vật dụng gia đình hư hỏng… bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Đỗ Thanh C, ở thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành cho biết, bãi rác này được hình thành từ lâu. Rác tại đây được đơn vị thu gom gom từ các thôn Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Lợi 3… đổ ra. Còn rác ở khu vực thôn Hưng Tân được xe thu gom của công ty môi trường gom riêng. Ông C cũng cho biết, thông tin tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường cũng được xã thực hiện thông qua hệ thống loa phát thanh, nhưng không thường xuyên. Người dân cũng chưa thực sự chú ý đến nội dung các thông tin này.

4(1).jpg
Tấm biển cấm đổ rác bị đạp đổ cạnh bãi rác. Ảnh: Thanh Tùng

Nói thêm về việc thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn, ông Hồ G…, thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành cho biết, xe rác sẽ đi gom vào thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần. Ông cho biết, gia đình cũng không phân loại rác, tất cả rác đều để chung vào một túi ni lông. Qua theo dõi, ông thấy nhiều gia đình khác ở khu này cũng đều làm như vậy. Phí thu gom rác là hơn 300 nghìn đồng/hộ/năm. Khi được hỏi về thông tin từ đầu năm 2025, nếu hộ gia đình không phân loại rác có thể bị xử phạt từ 800 nghìn – 1 triệu đồng, ông G nói không biết. Ông cũng không nhận được thông tin tuyên truyền gì về nội dung này.

7(1).jpg
8(1).jpg
Dọc ven biển, nhiều loại rác thải được vứt bừa bãi ngay cạnh các hộ dân sinh sống. Ảnh: Thanh Tùng

Đi dọc đường nhiều thôn trong xã Mỹ Thành, phóng viên nhận thấy, nhiều đoạn đường gần khu dân cư đã được bố trí các thùng rác để người dân chứa rác. Tuy nhiên, nhiều thùng rác có vẻ “để cho có”, khi rác vẫn được vứt xung quanh thùng. Đặc biệt, đoạn đường ven biển tại các thôn Vĩnh Lợi, có nhiều rác thải được vứt bừa bãi ngay cạnh nhà ở, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Các loại rác phổ biến được nhìn thấy như túi ni lông, chai thủy tinh, các đồ nhựa, cuống thuốc lá, bật lửa, lon nước giải khát…

9(1).jpg
Dọc tuyến đường ven biển, dễ dàng bắt gặp các túi rác được vứt như thế này. Ảnh: Thanh Tùng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết, bãi rác cạnh đường ven biển thực chất là “điểm trung chuyển rác” của xã. Theo ông Hạnh, xã Mỹ Thành hiện có 3 thôn là Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2 và Vĩnh Lợi 3 tiếp giáp với biển, mật độ dân cư cao, đường giao thông trong các thôn nhỏ hẹp nên xe thu gom rác của Hạt Quản lý giao thông công chính (đơn vị được hợp đồng thu gom rác trên địa bàn xã) không thể vào các tuyến giao thông của khu dân cư để thu gom rác được. Do đó, Hạt phải hợp đồng với 1 tổ đội dùng xe đẩy để thu gom tại hộ gia đình và chuyển ra tập kết tại “điểm trung chuyển rác”. Từ đó, xe rác của Hạt Quản lý giao thông công chính sẽ chở rác đi.

10.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành trao đổi với phóng viên. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh thừa nhận, việc tồn tại của “điểm trung chuyển rác” ngay cạnh đường ven biển đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nhếch nhác, bẩn thỉu. Để giải quyết vấn đề này, UBND xã Mỹ Thành đã báo cáo, xin chủ trương và được UBND huyện Phù Mỹ đồng ý về mặt chủ trương để xã Mỹ Thành xây dựng một bãi trung chuyển rác mới tại vị trí cách xa đường giao thông, xa khu dân cư, phù hợp với quy hoạch để đóng cửa “điểm trung chuyển rác” trên. Việc này sẽ được hoàn thành trong tháng 3/2024.

Thông tin về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã, ông Nguyễn Ngọc Hạnh cho biết, trong thời gian qua, xã đã triển khai mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Nếu đầu năm 2023, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã mới đạt hơn 50%, thì đến nay đã đạt khoảng 76%, phấn đấu hết năm 2024 đạt trên 77%. Xã cũng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện một số mô hình phân loại rác tại nguồn, tận dụng chất thải hữu cơ để ủ phân, sử dụng cho sản xuất nông nghiệp; hoặc tận dụng thức ăn thừa cho gia súc. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, các mô hình này mới chỉ được xã bước đầu thực hiện, hiệu quả chưa rõ nét.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho rằng, việc UBND xã Mỹ Thành dự kiến xin kinh phí để xây dựng một bãi trung chuyển rác thay thế “điểm trung chuyển rác” hiện có là không phù hợp. Bởi việc xây dựng một bãi trung chuyển rác cũng phải đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo xử lý được nước rỉ rác khi mưa tràn qua. Việc hình thành một cái “tạm mới” để thay thế cái “tạm cũ” là không phù hợp. Quan điểm của Sở là những bãi rác tạm đã tồn tại lâu nay cần được xóa bỏ, đồng thời địa phương gia tăng phương tiện, con người, mở rộng địa bàn thu gom, tăng tần xuất thu gom, ngăn chặn tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định.

Kế hoạch Quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, định hướng 2030 được UBND tỉnh Bình Định ban hành cũng yêu cầu các địa phương từ năm 2023, tăng tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo đến năm 2025, tần suất thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 2 ngày/lần. Trang bị đầy đủ các phương tiện vận chuyển và trang thiết bị để mở rộng địa bàn thu gom. Đồng thời, rà soát, lập kế hoạch và thực hiện việc đóng cửa các bãi rác không hợp vệ sinh cấp huyện, xử lý các bãi chôn lấp chất thải rắn tạm cấp xã và các điểm tập kết chất thải rắn tự phát; hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025.

Như vậy, việc UBND xã Mỹ Thành xin xây dựng một bãi trung chuyển rác mới với lý do yếu tố đặc thù của địa phương có phù hợp với chủ trương chung của tỉnh không? Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, phóng viên đã liên lạc, gửi nội dung xin làm việc với lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo UBND huyện.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Việc xử phạt trên sẽ được thực hiện theo lộ trình, chậm nhất vào ngày 31/12/2024.

Thanh Tùng