Quảng Nam: Cần quyết liệt hơn trong quản lý khoáng sản
(TN&MT) - Để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tỉnh Quảng Nam cần khắc phục một số khó khăn, tồn tại như: Một số địa phương và đơn vị liên quan chưa làm hết trách nhiệm được giao trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên, kịp thời.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam, trong năm 2023, các Sở, ngành, địa phương đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản (HĐKS), trong đó: Thanh tra tỉnh đã tiến hành 2 cuộc thanh tra về khoáng sản, cụ thể: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các doanh nghiệp khai thác, mua bán khoáng sản cát, qua đó đã phát hiện tổng sai phạm về thuế là 561.178.000 đồng, kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 561.178.000 đồng; ngoài ra, kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp mua cát đầu vào không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ và không lắp đặt trạm cân, camera giám sát.
Đối với thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về HĐKS của các đơn vị khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn các huyện, thành phố: Nam Trà My, Phú Ninh, Đông Giang, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ giai đoạn 2015 - 2022, đến nay đang dự thảo Kết luận thanh tra.
Thanh tra TN&MT chủ trì triển khai 3 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 4 đơn vị KTKS. Thanh tra Sở đã ban hành và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 12 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền phạt 3.486.000.000 đồng, tính đến ngày 12/1/2024, 7 đơn vị đã chấp hành nộp phạt với tổng số tiền 2.241.000.000 đồng, đạt tỷ lệ 88% số tiền xử phạt.
Ngoài ra, Thanh tra Sở đã kiến nghị thu hồi số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức với số tiền 513.370.097 đồng, 3 đơn vị đã chấp hành nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra thực tế tình hình lắp đặt, sử dụng trạm cân, camera giám sát, đầu ghi dữ liệu của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tại thời điểm kiểm tra, đa số các doanh nghiệp đều có lắp đặt camera, trạm cân; tuy nhiên, không đảm bảo yêu cầu theo quy định, cụ thể: Có lắp đặt camera nhưng không lưu trữ dữ liệu dưới dạng số hóa; có doanh nghiệp lưu trữ trực tuyến trên đầu ghi (xem được qua internet) chỉ vài ngày trước khi đoàn kiểm tra làm việc; Trạm cân không kết nối internet; Một số mỏ, vị trí camera giám sát đưa khoáng sản ra khỏi mỏ không quan sát hết phương tiện ra vào; đa số vị trí lắp đặt không có cơ quan địa phương giám sát, thỏa thuận; Một số mỏ cơ quan địa phương có kiểm tra nhưng không ghi nhận và phản ánh cụ thể về việc lắp đặt vận hành camera 24/24 giờ, về dữ liệu hình ảnh lưu trữ dưới dạng số hóa, về kết nối internet.
Đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông, trong năm 2023, qua thực tế thanh tra, kiểm tra của Thanh tra, Công an, Cục Thuế tỉnh cho thấy các doanh nghiệp KTKS cát, sỏi lòng sông thời gian qua đã cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến việc thực hiện hạch toán chi phí, kê khai thuế, sổ sách theo dõi sản lượng khai thác chưa đúng quy định, không lưu trữ dữ liệu về sản lượng khai thác thực tế; không cắm mốc, để mất mốc ranh giới khu vực khai thác; khai thác không đúng thời gian quy định, không đúng thiết bị khai thác đã đăng ký;...
Công an tỉnh đã tiến hành xử lý vi phạm 46 vụ với 47 đối tượng liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi với tổng số tiền phạt và truy thu là 1.636.000.000 đồng; tịch thu 51,54m3 cát, 6 xe ô tô tải, 3 xe máy xúc, 3 động cơ máy nổ, 3 ống hút cát. Cục Thuế tỉnh đã kiểm tra, xử phạt 2 doanh nghiệp với tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp là 193.670.256 đồng. Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền sai phạm là 561.178.000 đồng.
Cần có giải pháp mạnh
Để công tác quản lý, khai thác đi vào nền nếp, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đề ra các giải pháp như: Kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định của Luật Khoáng sản và các Nghị định về quản lý khoáng sản, như: Giảm thủ tục, hồ sơ cấp phép HĐKS, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ; Bỏ qua thủ tục đấu giá và cấp phép thăm dò đối với trường hợp xin khai thác cát, sỏi ở sông, suối nhỏ, khai thác đất san lấp, xây dựng công trình và cát (không phải ở sông, suối) phục vụ nhu cầu dân sinh tại chỗ với khối lượng không quá 10.000m3, thời gian khai thác không quá 1 năm.
Đồng thời, sửa đổi quy định, tiêu chuẩn của Giám đốc điều hành mỏ đối với các mỏ có quy mô nhỏ (như các mỏ khai thác cát, sỏi dưới 1ha); Bỏ quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản đối với KTKS trong các dự án đầu tư xây dựng công trình.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về KTKS, bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi, yêu cầu ký cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động.
Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh, nhất là trên các tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn.