Quảng Ngãi: Khai thác hiệu quả vùng đất gò đồi
(TN&MT) - Xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có diện tích đất đồi lớn. Tận dụng tiềm năng này, nhiều hộ dân đã phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống.
Làm giàu từ kinh tế vườn đồi
Là một trong những người tiên phong đầu tư xây dựng trang trại trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, ông Hoàng Văn Thiệt ở thôn Nhơn Lộc 1, xã Hành Tín Đông đang có thu nhập tốt. Ông Thiệt chia sẻ, ngày trước cả gia đình trồng vài hécta keo nên kinh tế không dư giả mấy. Sau khi được sự khuyến khích của địa phương và học hỏi các mô hình kinh tế gia trại của những hộ đi trước, nên gia đình ông vừa phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng, nhờ đó kinh tế gia đình khấm khá hơn.
“Thực hiện mô hình kinh tế gia trại đã hơn 4 năm, trung bình mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng, thu nhập tăng lên đáng kể so với trước”- ông Thiệt vui mừng chia sẻ.
Anh Trần Quốc Vương, thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông cho biết, với điều kiện đất đồi trước đây bà con chủ yếu trồng ngô, sắn… hiệu quả kinh tế rất kém, không năng suất. Được sự khuyến khích hỗ trợ của địa phương, gia đình anh đã mạnh dạn trồng cây ăn quả, kết hợp nuôi gà... Đất không phụ lòng người, từ những năm đầu thử nghiệm, đến nay đã cho thấy hiệu quả kinh tế đạt được khác xa so với các giống cây trồng trước kia. Vùng đất cằn cỗi đã trở thành trang trại nhỏ, quanh năm xanh tốt.
“Sau hơn 10 năm lập nghiệp trên đất gò đồi, đến nay gia đình đã có thu nhập ổn định, mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Rất may tôi được sự hỗ trợ của ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay vốn tín dụng, hỗ trợ cây con giống, tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu để về đầu tư mô hình hiệu quả”, anh Vương chia sẻ.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân
Xác định công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, xã Hành Tín Đông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tránh tái nghèo. Trong đó có việc hình thành các trang trại trồng cây ăn quả, trồng rừng kết hợp nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn và nhỏ tập trung chủ yếu trên đất gò đồi. Nhờ mô hình này, nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả và ổn định, đây cũng là định hướng phát triển kinh tế cho những vùng đất cằn cỗi của địa phương.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, xã ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban quản lý thực hiện chương trình; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp của các ban ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trương Thị Thúy Vân cho biết: “Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm nghèo bền vững chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, do đó, công tác tuyên truyền luôn được địa phương quan tâm triển khai”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2022 - 2023 xã đã cấp 9 con bò sinh sản trưởng thành cho các đối tượng, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác giảm nghèo; thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; triển khai rà soát thông tin người lao động trên địa bàn xã; thành lập Đoàn giám sát công tác rà soát hộ nghèo tại 6 thôn...
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã trên 56 triệu đồng/người/năm. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; nhà ở thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đều đảm bảo kiên cố; 97% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo trên địa bàn xã được hỗ trợ vay vốn trong phát triển sản xuất, chăn nuôi…
Nếu như đầu năm 2023, xã Hành Tín Đông có 59 hộ nghèo, thì cuối năm 2023 giảm còn 45 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,83%; hộ cận nghèo đầu năm 2023 là 40 hộ, thì cuối năm giảm còn 22 hộ, chiếm tỷ lệ 1,87%; vượt chỉ tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 huyện giao.