Chiến sĩ biên phòng Tam Chung: "Điểm tựa" thoát nghèo của người dân vùng biên giới
Mỗi tháng, từng chiến sĩ ở Đồn biên phòng Tam Chung (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) sẽ dành ra 20.000 đồng đóng góp vào quỹ để hỗ trợ cây giống, con giống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đây đã trở thành “điểm tựa” giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn.
Theo Trung tá Lê Thế Chiến, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Chung, đây là chương trình do đơn vị thực hiện theo chỉ thị của Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hỗ trợ các hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Thời gian qua, có khoảng 100 hộ dân trên địa bàn xã Tam Chung được đơn vị trao con giống, cây giống để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hàng tháng, mỗi chiến sĩ trong đơn vị sẽ trích từ tiền lương 20.000 đồng/người/tháng để làm quỹ hỗ trợ người dân. Trung bình mỗi tháng, cả đơn vị góp được khoảng 2 triệu đồng.
Sau khi có nguồn kinh phí, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cây, con giống cho bà con. Đảng viên phụ trách sẽ có nhiệm vụ phối hợp với các hộ gia đình chăm sóc con giống, cây giống đạt chất lượng, hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế. Trung bình hằng tháng sẽ có 2-3 hộ nhận được "quà thoát nghèo" của các chiến sĩ biên phòng.
Những hộ dân có diện tích đất đồi lớn sẽ được trao tặng cây giống, trong đó mô hình trồng cây đu đủ đực lấy hoa đang được nhân rộng trên địa bàn. Hộ nào gần sông, suối sẽ được Đồn biên phòng Tam Chung hướng dẫn đào ao thả cả, tặng giống vịt để tăng gia sản xuất. Còn hộ nào ở những vị trí khan hiếm nguồn nước sẽ được hỗ trợ giống gà. Chương trình hỗ trợ của Đồn biên phòng Tam Chung linh hoạt theo điều kiện từng bản, từng hộ gia đình. Vì vậy, hiệu quả tương đối cao.
Ông Hà Văn Dự (64 tuổi, bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa), kể: Năm 2017, gia đình ông rơi vào khủng hoảng trầm trọng, vợ chồng con trai ông Dự bị bệnh ung thư, qua đời khi tuổi đời còn quá trẻ. Hoàn cảnh gia đình ông Dự lúc đó như rơi xuống “vực thẳm” không công việc ổn định, 2 cháu còn quá nhỏ thiếu vắng cả cha lẫn mẹ.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Tam Chung đã góp mỗi người 20.000 đồng/tháng, mua 30 con vịt giống và hơn 100 con cá trắm cỏ. Đồng thời, hướng dẫn ông về kỹ thuật nuôi, cách phòng, chống dịch cho đàn gia cầm, vệ sinh ao nuôi. Từ đó, việc chăn nuôi của gia đình ông Dự thuận lợi.
Sau hơn 2 năm đón nhận sự giúp đỡ, từ 30 con vịt ban đầu, đến nay, ông Dự sở hữu hơn 200 con vịt đẻ trứng và thương phẩm. Ao cá cũng cho thu hoạch mỗi năm 2-3 lứa. Không còn cái cảnh chạy ăn từng bữa, tài sản giá trị nhất chỉ là cái nồi nhôm cũ; giờ đây kinh tế gia đình ông Dự đã ổn định, 2 cháu được học hành đầy đủ.
"Cuối năm 2022, tôi nói với bà con trong bản rằng, gia đình tôi đã "đoạn tuyệt" với cái nghèo bằng nguồn vốn 20.000 đồng của bộ đội biên phòng, nhưng không ai tin. Năm 2023, tôi cùng một số hộ dân được tuyên dương vì đã biết chăn nuôi, làm kinh tế, thoát nghèo từ con giống do bộ đội Đồn biên phòng Tam Chung trao tặng, lúc này bà con mới tin", ông Dự nói.
Ngoài ra, Đồn biên phòng Tam Chung còn phối hợp với các mạnh thường quân xây nhà tình thương tặng 2 cháu nội của ông.
" Cũng theo Trung tá Chiến, trong hành trình hơn 2 năm giúp bà con dân bản đã đạt được hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, năm đầu tiên khi triển khai cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều hộ gia đình được trao con giống như gà, vịt, ngan, cá không chịu chăm sóc, bỏ mặc để con giống chết. Hoặc các con vật cứ được bà con nuôi lớn là ăn thịt, không bán cũng không giữ lại để nhân giống.
Các chiến sĩ trong đồn lại tận tình giải thích để bà con dân bản hiểu đây là quà hỗ trợ nhằm mục đích giúp bà con phát triển kinh tế. Sau khi nuôi lớn, bà con chỉ được thịt một ít, bán một ít, một ít để lại nhân giống. Nhiều lần như vậy, người dân vùng cao mới thấu hiểu và tập trung sản xuất.
Sau hơn 2 năm thực hiện phương châm "3 bám, 4 cùng" với bà con, nhiều hộ dân đã nhận thức được ý nghĩa của món quà bộ đội trao tặng, nỗ lực làm kinh tế. Đáng chú ý, một số hộ đã biết phát triển sản phẩm sản xuất ra theo hướng hàng hóa, bán ra thị trường đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Anh Giàng A Chìa (trú bản Ón, xã Tam Chung), cũng là hộ được hỗ trợ 30 con vịt vào năm 2023. Đầu năm nay, gia đình anh đã xuất bán lứa vịt đầu tiên, có thu nhập ổn định. Anh Chìa chia sẻ sẽ nỗ lực làm kinh tế thật tốt để vươn lên thoát nghèo, không phụ công giúp đỡ của các cán bộ.
Ông Hà Văn Thìn, Phó chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết, trong những năm qua, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung đã giúp đỡ khoảng 100 hộ dân khó khăn phát triển kinh tế. Các hộ dân được Đồn biên phòng Tam Chung giúp đỡ đều vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ có tư duy làm kinh tế, kinh doanh hàng hóa. Nhìn thấy hiệu quả thực tế từ cây giống, con giống bộ đội trao tặng. Nhiều hộ đã chủ động mua giống nhờ hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Ở các bản như Poọng, Lát, Suối Loóng đã hình thành phong trào người dân thi nhau làm kinh tế.
Đồn Biên phòng Tam Chung hiện phân công 28 đảng viên phụ trách hỗ trợ 127 hộ gia đình trên địa bàn xã. Các hộ mà đảng viên phụ trách chủ yếu là hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh éo le, những con người từng lầm đường lạc lối.
Từ 20.000 đồng dù ít ỏi, nhưng với tinh thần “góp gió thành bão”, khơi dậy tinh thần phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, định hướng cho bà con làm ăn, từ cái nhỏ nhất là trồng trọt, chăn nuôi và dần xóa bỏ thói quen trông chờ, ỉ lại vào nhà nước.