Châu Âu cần ưu tiên chống rủi ro khí hậu
(TN&MT) - Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) vừa công bố một phân tích mới cho thấy, nếu châu Âu không thực hiện hành động khẩn cấp và quyết đoán để thích ứng với rủi ro khí hậu thì châu lục này có thể phải gánh chịu hậu quả "thảm khốc" do biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo phân tích của EEA về những rủi ro khí hậu mà châu Âu phải đối mặt, các khu vực ở Nam Âu có nguy cơ cao nhất với những mối nguy hiểm bao gồm hỏa hoạn, thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong khi các vùng ven biển thấp phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn. Nhiều rủi ro trong số này đã đạt đến mức nghiêm trọng và có thể trở thành thảm họa nếu không có hành động khẩn cấp và quyết đoán.
EEA cho biết, các khu vực ở Nam Âu có thể đối diện với nguy cơ cao nhất không đồng nghĩa với việc Bắc Âu không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng lũ lụt ở Đức và cháy rừng ở Thụy Điển trong những năm gần đây là những ví dụ điển hình.
Cơ quan này cũng cảnh báo: “Nắng nóng cực độ, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt như đã xảy ra trong những năm gần đây sẽ trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu ngay cả trong những kịch bản lạc quan về vấn đề nóng lên toàn cầu”.
Báo cáo liệt kê 36 rủi ro liên quan đến khí hậu ở châu Âu, trong đó có 21 rủi ro đòi hỏi phải hành động ngay lập tức và 8 rủi ro cần hành động "đặc biệt khẩn cấp". Đứng đầu danh sách này là rủi ro đối với các hệ sinh thái, chủ yếu liên quan đến các hệ sinh thái ven biển và biển.
Chẳng hạn, sự kết hợp của các đợt nắng nóng cũng như tình trạng axit hóa và cạn kiệt ôxy ở biển và các yếu tố khác do con người gây ra như ô nhiễm và hiện tượng phú dưỡng nước và việc đánh bắt cá, đang đe dọa hệ sinh thái biển. Hiện tượng phú dưỡng nước là một dạng suy giảm chất lượng nước không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước mà còn gây ra những khó khăn, tốn kém cho các ngành kinh tế. Theo EEA, các vấn đề trên có thể dẫn đến mất đa dạng sinh học và suy giảm hệ sinh thái.
EEA cho rằng các chính phủ và người dân châu Âu cần ưu tiên hàng đầu cho hành động nhiều hơn, nhanh hơn. “Châu Âu cần phải hành động nhiều hơn nữa để có những chính sách mạnh mẽ hơn”, Giám đốc EEA Leena Yla-Mononen nhấn mạnh.