Phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp
Đó là chia sẻ của TS. Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) tại buổi toạ đàm “Tài chính carbon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam” do Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero (GREEN MEDIA HUB) phối hợp với Ban tổ chức Hội chợ HAWA EXPO2024 tổ chức vào chiều 7/3, tại TP.HCM.
Hướng đến nền lâm nghiệp bền vững
Theo TS. Vũ Tấn Phương, Việt Nam là một trong các quốc gia hàng đầu về chế biến gỗ và lâm sản, các chính sách của Việt Nam hiện đang hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Các định hướng chính sách lớn về phát triển lâm nghiệp đến năm 2030 là đạt mục tiêu 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và 100% diện tích rừng của tổ chức thực hành quản lý rừng bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) đã được thành lập theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018. VFCS được Tổ chức Chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận và VFCS được quản lý và vận hành bởi Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững. Kể từ khi chính thức vận hành vào năm 2020, thương hiệu Chứng chỉ rừng Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu thị trường, nâng cao thương hiệu gỗ Việt, thúc đẩy thương mại sản phẩm lâm sản và nâng cao năng lực của các bên liên quan.
“Sử dụng nguyên liệu gỗ được chứng nhận sẽ là xu hướng chính trong những năm tới, đó chính là yêu cầu của thị trường. Các lợi ích tài chính trực tiếp từ thương mại carbon có thể được tạo ra, nếu các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của thị trường carbon. Việc sản xuất theo hướng giảm phát thải, carbon thấp cũng sẽ tạo ra các cơ hội về tiếp cận công nghệ sản xuất xanh, nâng cao năng lực. Những lợi ích này sẽ nâng cao giá trị của doanh nghiệp, tạo ra các lợi thế cạnh tranh trong tiếp cận thị trường và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các vấn đề về bảo vệ môi trường, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS. Vũ Tấn Phương chia sẻ thêm.
Sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách
Cũng theo TS. Vũ Tấn Phương, để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, phát triển sản xuất theo hướng carbon thấp cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cụ thể, cần tập trung vào các khuyến khích tài chính, ưu đãi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng; thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận; và có các cơ chế giám sát, tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận. Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong thực hiện quản lý rừng bền vững, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng. Với các nỗ lực đó, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 28% năm 1995 lên khoảng 42% vào năm 2022. Rừng là bể chứa các bon khổng lồ được tạo ra do quá trình quang hợp của thực vật rừng. Với diện tích rừng hiện tại, khoảng 14,7 triệu ha, lượng carbon lưu giữ trong sinh khối cây rừng được ước tính là khoảng 612 triệu tấn carbon, tương đương với 2,2 tỷ tấn CO2, trong đó khoảng 80% lượng carbon lưu giữ ở diện tích rừng tự nhiên.
Rừng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Rừng cung cấp các lợi ích trực tiếp như gỗ, lâm sản ngoài gỗ và đặc biệt là các dịch vụ môi trường rừng như bảo vệ đất, điều tiết nước, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thực hiện chính sách chi trả cho dịch vụ bảo vệ đất, điều tiết nguồn nước từ năm 2010 và doanh thu từ dịch vụ này cho năm 2022 là 4.130 đồng. Trong giảm nhẹ biến đổi khí hậu, cụ thể là giảm phát thải khí nhà kính, rừng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất đã được nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
TS. Vũ Tấn Phương cho biết, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng thị trường carbon trong nước và khi đi vào hoạt động sẽ mở ra các cơ hội về mua bán, trao đổi, thương mại tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ carbon trong các hoạt động lâm nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thực hiện các dự án thương mại tín chỉ carbon trong lâm nghiệp khác với các dự án lâm nghiệp thông thường. Đó là tuân thủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn carbon mà thị trường carbon yêu cầu, bao gồm các vấn đề liên quan đến đo đạc, tính toán, báo cáo và thẩm định kết quả giảm phát thải, hấp thụ carbon, các yêu cầu về đảm bảo an toàn môi trường và xã hội.