Doanh nghiệp - doanh nhân

Doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động, tích cực trong quá trình “xanh hoá"

Phạm Hoài 07/03/2024 20:53

(TN&MT) - Trả lời câu hỏi doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần có những động thái nào để có thể thu hút đầu tư và tận dụng nguồn vốn từ VinaCarbon, ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ VinaCarbon cho biết: Để thu hút đầu tư và tận dụng nguồn vốn của các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải chủ động, tích cực trong quá trình “xanh hóa”.

Như Báo Điện tử TN&MT đã đưa tin, chiều 7/3, trong khuôn khổ Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất Hawa Expo 2024, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero (GREEN MEDIA HUB) phối hợp với Ban tổ chức Hội chợ HAWA EXPO2024 tổ chức Tọa đàm “Tài chính carbon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam”.

77.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ VinaCarbon chia sẻ tại buổi tọa đàm

Hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi xanh

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tùng, từ việc ban lãnh đạo công ty cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, thiết lập các bộ phận chuyên trách và sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận, quản lý cho phù hợp với một dự án tạo tín chỉ carbon. Đồng thời, cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; tăng cường quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm và xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung quy mô lớn.

VinaCarbon được thành lập nhằm hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh khi đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp có thể tạo ra được tín chỉ carbon; giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính từ bên ngoài cho mục đích chuyển đổi xanh nếu cần thiết. VinaCarbon còn liên kết với đối tác là các công ty đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp trên thế giới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước về phương diện kỹ thuật, quản lý... liên quan tới trồng rừng gỗ lớn, đầu ra cho các sản phẩm gỗ và lâm nghiệp. Trong suốt hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình tạo tín chỉ carbon, VinaCarbon cũng hỗ trợ những chi phí liên quan tới hoạt động đăng ký, thẩm tra và tạo tín chỉ.

88.jpg
Các diễn giả chia sẻ thông tin mới nhất về tài chính carbon tại buổi toạ đàm

Đầu tư các dự án trồng rừng bền vững

Carbon và năng lượng tái tạo là một trong số đó. Bên cạnh năng lượng tái tạo, các dự án cộng đồng như cung cấp bếp đun cải tiến hay dự án tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sản xuất than sinh học, trồng và quản lý rừng bền vững, quản lý chất thải rắn là các dự án mà VinaCarbon đang và sẽ triển khai. "Chúng tôi luôn tìm kiếm các cơ hội mới trong các lĩnh vực có khả năng tạo tín chỉ carbon. Về tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực tài chính của chúng tôi sẽ đưa ra các phương án phù hợp cho từng dự án và loại hình hợp tác nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững lâu dài", ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ VinaCarbon cho biết.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia nhận định, đầu tư cho giảm phát thải cho ngành gỗ cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững, từ đó sẽ giúp tăng tính cạnh canh và khả năng thâm nhập vào các thị trường như EU, mang lại giá trị cao hơn cho hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới từ việc chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài cho các dự án carbon nói chung và các dự án carbon từ ngành gỗ nói riêng tại Việt Nam là rất lớn.

Phạm Hoài