Môi trường

Thúc đẩy hoạt động kinh doanh gắn với bảo vệ rừng

Khánh Ly 07/03/2024 - 16:45

(TN&MT) - Năm 2024, Chương trình Tăng trưởng Doanh nghiệp sinh thái rừng - Forest Ecopreneur tìm kiếm 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam liên quan bảo tồn hệ sinh thái rừng, nhằm triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh và kết nối đầu tư. Qua đó, thúc đẩy khối doanh nghiệp tham gia phát triển sinh kế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương.

Theo Ban tổ chức, chương trình không chỉ dành cho các doanh nghiệp làm việc trực tiếp trong rừng mà còn trong hoạt động phát triển bền vững có liên quan đến rừng. Cụ thể là chuỗi giá trị lâm nghiệp bền vững (ví dụ: khai thác gỗ, cao su…); lâm sản ngoài gỗ; sản xuất năng lượng sinh học, nhiên liệu sinh khối, dăm gỗ; cung cấp dịch vụ (quản lý nước, thị trường carbon, du lịch sinh thái; bảo vệ rừng...) hoặc ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng...

rung-fsc-1651736743.jpg
Chương trình không chỉ dành cho các doanh nghiệp làm việc trực tiếp trong rừng mà còn trong hoạt động phát triển bền vững có liên quan đến rừng

Chương trình cũng đồng thời tìm kiếm 50 cố vấn kinh doanh tình nguyện đồng hành cùng doanh nghiệp. Các cố vấn là người quan tâm đến việc tạo ra tác động rõ nét trong phát triển kinh tế, phát triển bền vững về xã hội và môi trường, sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nhân địa phương phát triển hoạt động kinh doanh của họ.

Theo kế hoạch, trong thời gian từ 31/1 – 13/3, Ban tổ chức mở đơn tuyển doanh nghiệp và cố vấn. Thời hạn thông báo doanh nghiệp được chọn từ ngày 25 - 31/3. Sau đó, các bên sẽ triển khai giai đoạn ươm tạo và cố vấn đồng hành từ tháng 4 - 8/2024 và sự kiện Pitching - kết nối doanh nghiệp tiềm năng với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, tạo không gian chia sẻ tri thức và kinh nghiệm sẽ diễn ra trong tháng 9/2024.

Trong 4 tháng ươm tạo, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ tham gia một chương trình đào tạo chuyên nghiệp trực tuyến để hoàn thiện mô hình và kế hoạch kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp có 1 cố vấn đồng hành để phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ được kết nối với các doanh nghiệp, chuyên gia trong mảng bảo tồn rừng, nông lâm nghiệp đến từ Việt Nam, Lào và Campuchia.

Theo bà Trương Thị Nam Thắng - Nghiên cứu trưởng, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID), cùng với chương trình đào tạo chính, các doanh nghiệp và cố vấn sẽ thường xuyên tham gia họp hỗ trợ nhóm, bao gồm các chủ đề chính trong ngành như: các sáng kiến phục hồi rừng, chứng nhận môi trường, đo lường tác động, thị trường giấy tờ tiết kiệm carbon; các cơ chế tài chính, kế hoạch quản lý doanh nghiệp rừng cho các nhóm cộng đồng... Trong sự kiện kết thúc, các doanh nghiệp sẽ chia sẻ kế hoạch phát triển của mình với với các bên chủ chốt địa phương để thúc đẩy việc tiếp cận thị trường và cơ hội tài chính.

untitled.png
Các hoạt động kinh doanh được khuyến khích gắn với phát triển sinh kế người dân, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng

Trước đó, trong năm 2023, giải Nhất ý tưởng kinh doanh gắn với chuỗi giá trị Rừng thuộc về các đề tài của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên, doanh nghiệp xã hội Hạnh phúc xanh và Công ty TNHH Pun coffee. Theo bà Lương Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Pun coffee cho biết, với sự đồng hành của cố vấn Chương trình Tăng trưởng Doanh nghiệp sinh thái rừng, công ty đã xây dựng kế hoạch mở rộng hệ thống sản xuất và phát triển dịch vụ mới về du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nhằm quản bá sản phẩm, khai thác giá trị tài nguyên cộng đồng tại Hướng Hóa, Quảng Trị.

Theo ban tổ chức, dự án chưa tập trung hỗ trợ tài chính và đầu tư với các doanh nghiệp tham gia năm 2023 và 2024, nhưng dự kiến đây sẽ là một nội dung hoạt động của năm 2025. Tức là sau 1-2 năm doanh nghiệp tăng trưởng và có nhu cầu về vốn một cách rõ nét, chương trình sẽ quay trở lại hỗ trợ. Đây có thể xem là một hình thức để đo lường tác động của chương trình. Chương trình cũng đã xây dựng bản thỏa thuận về bảo mật thông tin giữa cố vấn và doanh nghiệp, để đảm bảo các thông tin về doanh nghiệp, dữ liệu tài chính cũng như kế hoạch kinh doanh sẽ không bị tiết lộ ra bên ngoài.

Chương trình “Tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng – Forest Ecopreneur 2024” do Cơ quan môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) và tổ chức Bridge for Billions phát triển, cùng với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID). Chương trình sẽ hỗ trợ 100 dự án kinh doanh trên khắp Campuchia, Việt Nam và Lào, mang đến cơ hội phát triển bền vững và kết nối doanh nghiệp, phát triển các giá trị kinh tế - xã hội, môi trường.

Khánh Ly