Môi trường

Công nghệ - Chìa khóa xử lý nước thải sinh hoạt

Hoàng Ngân 07/03/2024 - 10:01

(TN&MT) - Cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất thiết kế trên 926 ngàn m3/ngày đêm. So sánh 7,7 triệu m3 nước thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày thì quả là "muối bỏ bể". Việc áp dụng công nghệ là một phương cách quan trọng để giải quyết tình trạng này.

Xử lý nước thải - đầy thách thức!

Tình trạng ô nhiễm nước ở các đô thị thấy rõ nhất là ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội - nơi tập trung nhiều làng nghề nhất trên cả nước, mới chỉ có khoảng 8,8% lượng nước thải làng nghề được thu gom, xử lý, còn lại phần lớn không được xử lý mà chảy thẳng ra các sông. Nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu đang làm ô nhiễm cục bộ nguồn nước.

67-1665021851-cong-nghe-xu-ly-nuoc-thai.jpg
Việc áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến giúp tăng hiệu suất cho hệ thống xử lý nước thải đô thị

Nước thải đô thị cũng là vấn đề nhức nhối của TP. Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của thành phố, lượng nước thải đô thị phát sinh khoảng 1,54 triệu m3/ngày đêm. Theo quy hoạch, ở 12 lưu vực thoát nước của thành phố sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải, nhưng đến nay mới chỉ có 3 nhà máy hoạt động gồm: Bình Hưng (công suất 141.000 m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000 m3/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (131.000 m3/ngày). Ngoài ra, còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư. Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%.

TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết: Hiện nay, phần lớn trạm xử lý nước thải đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc truyền thống là thu gom sau đó xử lý tập trung. Tuy nhiên, việc thu gom nước thải đôi khi gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường ống thu gom khá xa khu dân cư. Tổng lượng nước thải được xử lý bảo đảm các yêu cầu phục vụ tái sử dụng nước còn thấp. Nhiều nhà máy xử lý nước thải vận hành chưa hiệu quả để phù hợp với công suất thiết kế.

Theo ý kiến các chuyên gia, việc thu gom và xử lý nước thải các đô thị là vấn đề cấp bách. Nước thải nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây nhiễm độc nguồn nước ngầm và rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.

Cần ưu tiên phát triển công nghệ

Để quản lý và xử lý nước thải hiệu quả, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là công nghệ xử lý nước thải.

Ông Lộc nhấn mạnh, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% (theo Nghị quyết Đại hội XIII) trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn, từ 10 - 20 tỷ USD. Do vậy, để hiện thực hóa mục tiêu trên, cần tìm hiểu giải pháp kỹ thuật, công nghệ; nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hóa nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn ngày càng tốt hơn.

Hiện nay, nhiều giải pháp công nghệ xử lý nước thải đã được nghiên cứu, giới thiệu, đưa vào ứng dụng. Đối với nguồn phát thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ quy mô hộ gia đình, có thể sử dụng thiết bị tách dầu mỡ ra khỏi nước thải để tránh tình trạng tắc nghẽn ngay từ đầu, giảm chi phí nạo vét, duy trì và sửa chữa/thay thế đường ống thoát nước. Hiện nay, tại Việt Nam đã có thiết bị đạt tiêu chuẩn châu Âu EN 1825 và EN 858, với hiệu quả tách lọc dầu mỡ trong nước thải cao từ 90 - 95%.

Một giải pháp hữu hiệu khác là sử dụng hệ thống hố ga thu nước ngăn mùi, chống muỗi.

Theo ông Hồ Viết Vẻ - Giám đốc Công ty TNHH SiGen - đơn vị phát triển sản phẩm hố ga này, khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tình trạng ngập lụt do cửa thoát nước không phù hợp chiếm đến 80%. Sau khi lắp đặt thử nghiệm hố ga SiGen tại một số chợ bị đọng nước và ô nhiễm nặng, người dân đánh giá hiệu quả, thoát nước nhanh, luôn khô, chống hôi tốt. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích, có tuổi thọ tối thiểu 20 năm và giá thành trong khoảng từ 3,5 đến 12 triệu đồng.

Bên cạnh đó, để cải thiện chất lượng nước thải đô thị, đặc biệt là tại TP. Hà Nội, GS.TS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông hồ nội đô, kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí và các công trình văn hóa, tâm linh... trên mặt nước. Việc xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông hồ nội đô cũng quan trọng không kém để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập. Trước mắt, các ngành, địa phương cần kiểm soát hoạt động các nhà máy, cũng như công trình xử lý nước thải xả vào sông.

Hoàng Ngân